Sáng 14/4, lãnh đạo Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho hay ngoài nguyên nhân nêu trên, hố "tử thần" ở Quảng Bị còn có thể do địa chất khu vực biến đổi phức tạp, xuất hiện những điểm dị thường như xen kẹp lớp bùn bồi tích, hang rỗng...
"Người dân xây dựng nhà cửa, đường xá làm nền đất bị biến dạng, xáo trộn, và khoan vào túi khí làm bục nền phía trên tạo thành hố sụt", vị này nói và giải thích thêm túi khí, hang rỗng "có thể hình dung như một quả trứng rỗ, bên trong là không khí, được bao bọc bởi các tầng đất bên ngoài".
Viện thủy công xác định hố sụt có chiều sâu từ mặt đường đến đáy khoảng 20-22 m; hình dạng quả cầu dẹt với đường kính từ 12 đến 15 m; đến nay hố sụt đã "tương đối ổn định, không có khả năng mở rộng, sụt lún thêm".
"Khu vực này khả năng còn một vài túi khí nữa. Tuy nhiên, nếu không có tác động như khoang giếng, đóng cọc sâu vào vị trí các túi này thì ít khả năng xảy ra sụt lún", Viện Thủy công cảnh báo.
Việc khắc phục hố sụt lún dự kiến sáu bước, dự kiến diễn ra trong 10 đến 15 ngày. Đầu tiên người dân cần dọn dẹp mặt bằng, lấp đầy hố sụt bằng các vật liệu phù hợp như đá hộc, cát. Tiếp theo, đơn vị thi công sẽ khoan tạo lỗ để phụt vữa xi măng, bê tông nhằm lấp đầy và cứng hóa các lỗ hổng xung quanh khu vực sụt lún... Bước cuối cùng là hoàn trả rãnh thoát nước và các lớp mặt đường như ban đầu, sau đó thử tải và quan trắc hiện trường.
Lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trong ngày mai (15/4) sẽ họp hội đồng thẩm định và đưa ra phương án khắc phục cuối cùng.
Trước đó hôm 6/4, một gia đình ở mặt tỉnh lộ 419 qua thôn Hai, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khoan giếng. Đến 16h cùng ngày, sau nhiều tiếng động lớn, máy khoan, cây cảnh, cột điện tụt xuống lòng đất.
Ban đầu hố chỉ rộng hơn 3 m, đến tối lan rộng ra hơn 12 m, sâu trên 4 m. Nhà chức trách di dời 12 hộ dân xung quanh để đảm bảo an toàn.