"Chúng tôi đã đồng ý mua 42 tiêm kích Rafale. Hợp đồng hôm nay gồm 6 tiêm kích đầu tiên, sau đó sẽ là 36 chiếc còn lại", Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngày 10/2 cho biết.
Các tiêm kích Rafale mua từ Pháp sẽ giúp không quân Indonesia hiện đại hóa phi đội chiến đấu cơ đã cũ, gồm 33 tiêm kích F-16 của Mỹ cùng 5 tiêm kích Su-27 và 11 chiếc Su-30 của Nga.
Đơn hàng được ký gần hai tháng sau khi Indonesia hồi tháng 12/2021 thông báo bỏ thương vụ tiêm kích Su-35S trị giá hơn 1,1 tỷ USD với Nga mà không công bố nguyên nhân. Giới chức Mỹ trước đó nhiều lần cảnh báo Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt nếu mua vũ khí Nga.

Tiêm kích Rafale của không quân hải quân Pháp tại căn cứ không quân Sultan Iskandar Muda ở Aceh Besar, Indonesia tháng 5/2019. Ảnh: AP.
Thương vụ mua 42 tiêm kích được đánh giá báo hiệu quan hệ Pháp và Indonesia nồng ấm hơn, trong bối cảnh Paris xem xét lại liên minh và đối tác trong khu vực sau khi mất thỏa thuận tàu ngầm trị hàng chục tỷ USD do thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh với Australia.
Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ phát triển hạm đội tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, đồng nghĩa nước này từ bỏ thương vụ mua tàu ngầm diesel - điện đã cam kết trước đó với Pháp.
Paris đã phản ứng dữ dội trước quyết định này của Canberra, khiến quan hệ giữa các đồng minh thân cận của Mỹ rạn nứt. Hai bên sau đó đã có những động thái hòa giải nhằm xoa dịu tình hình.
Rafale là tiêm kích phản lực đa năng hai động cơ, ứng dụng thiết kế cánh chính tam giác cùng cánh phụ phía trước để tăng lực nâng và khả năng cơ động.
Với nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao, tiêm kích Rafale có thể thực hiện các nhiệm vụ đa dạng như chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm xa, trinh sát, yểm trợ mặt đất, công kích sâu trong lãnh thổ đối phương, diệt hạm và răn đe hạt nhân.
Hệ thống điện tử hàng không trung tâm của Rafale ứng dụng công nghệ tích hợp module hóa, giúp kiểm soát toàn bộ tính năng chính của tiêm kích như điều khiển bay, hợp nhất dữ liệu, dẫn bắn cho vũ khí và giao tiếp giữa phi công với máy bay. Giá trị của các hệ thống điện tử chiếm tới 30% chi phí chế tạo một chiếc Rafale.
Tổng cộng hơn 200 tiêm kích Rafale đã được xuất xưởng, mỗi chiếc có giá khoảng gần 100 triệu USD, chưa kể tới các hệ thống vũ khí và chi phí phụ tùng bảo dưỡng. 5 quốc gia vận hành dòng chiến đấu cơ này gồm Pháp, Ai Cập, Ấn Độ, Qatar và Hy Lạp, trong khi Croatia đặt mua 12 chiếc Rafale đã qua sử dụng của Pháp và dự kiến nhận bàn giao từ năm 2023.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)