Philippines đang xem xét mua trực thăng vận tải hạng nặng Chinook để thay thế cho các khí tài đang được dùng để triển khai binh sĩ và ứng phó thảm họa, đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói hôm nay.
Ông cho biết Mỹ sẵn sàng ký thỏa thuận tương đương số tiền Philippines định chi để mua trực thăng Nga. Thỏa thuận trực thăng với Mỹ nhiều khả năng bao gồm gói bảo dưỡng, dịch vụ và phụ tùng đi kèm.
Giới chức Mỹ chưa bình luận về phát biểu của đại sứ Romualdez.
Philippines trước đó hủy thỏa thuận mua 16 trực thăng quân sự Mi-17 của Nga trị giá 12,7 tỷ peso (227,35 triệu USD), vài ngày trước khi ông Rodrigo Duterte kết thúc nhiệm kỳ tổng thống hồi tháng 6.
"Hợp đồng bị hủy chủ yếu do chiến sự ở Ukraine. Do Mỹ và các nước phương Tây có thể áp lệnh trừng phạt với chúng tôi, việc theo đuổi hợp đồng trên rõ ràng không có lợi", ông Romualdez cho biết.
Quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và Mỹ gần đây leo thang sau khi Moskva cuối tháng 2 mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Mỹ cùng đồng minh đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt chưa từng thấy với Nga để đáp trả.
Ông Romualdez trước đó cảnh báo Manila có nguy cơ bị cấm vận theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu xúc tiến hợp đồng mua trực thăng với Nga, dù Manila đã đặt cọc 38 triệu USD cho thương vụ.
Philippines ký hợp đồng mua trực thăng Mi-17 với Nga hồi tháng 11/2021, với lô đầu tiên dự kiến được giao trong vòng hai năm. Manila đang thương lượng với Moskva để lấy lại khoản tiền đặt cọc.
Philippines đang ở giai đoạn cuối của chương trình trị giá 300 tỷ peso, kéo dài 5 năm, nhằm hiện đại hóa các khí tài quân sự đã cũ, trong đó có những tàu chiến từ thời Thế chiến II.
Ngoài quân sự, Philippines dưới thời tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. còn muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ, bao gồm các lĩnh vực như sản xuất, hạ tầng số, năng lượng sạch, đại sứ Romualdez cho hay.
Như Tâm (Theo Reuters)