Chúng ta hay có thói quen đối với những mối quan hệ thân thiết như người thân, bạn bè thì thường không rõ ràng về chuyện tiền bạc, làm ăn vì sợ mếch lòng. Câu chuyện hùn hạp làm ăn là một bài học đắt giá cho riêng tôi và cũng có thể cho nhiều người.
Tôi làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu, thu nhập hàng tháng khoảng 25 triệu đồng, trừ hết chi phí thì dư mỗi tháng trên dưới 8 triệu đồng (tôi hiện 29 tuổi, chưa có gia đình). Tôi có một người bạn chơi chung từ thời đại học. Một ngày đẹp trời, chúng tôi cảm thấy cần bước ra khỏi vùng an toàn, tập tành buôn bán với suy nghĩ chung là làm công ăn lương thì bao giờ mới khá.
Với câu hỏi sẽ buôn bán gì thì chúng tôi có sẵn đáp án luôn là mở quán cà phê. Vì trước mắt chỗ chúng tôi ở có nhiều trường đại học và sinh viên. Đây là những khách hàng tiềm năng.
Chúng tôi bắt tay ngay vào việc, tìm một mặt bằng với giá tốt ở khu vực ngoài thành không khó, miễn là chịu chạy xe đi tìm. Một mặt bằng rộng ra khá được chúng tôi thuê với giá 15 triệu/ tháng. Về phần tiền hùn: Tôi 150 triệu, người bạn 150 triệu. Tổng số tiền là 300 triệu. Chúng tôi bán quán kiểu con nhà nghèo nên decor quán theo hướng đơn giản, bàn ghế thì mua thanh lý của những quán khác nên không tốn nhiều tiền cho khoảng này.
Tuy nhiên cũng ngốn hết khoảng 30 triệu đồng. Tiền thuê mặt bằng một năm là 180 triệu, do thuyết phục được nên chủ nhà cho thanh toán trước 1 năm tiền nhà và không cần đặt cọc. Như vậy, chưa gì đã tốn 210 triệu đồng, chỉ còn 90 triệu để mua nguyên liệu, duy trì phí điện nước hàng tháng, nhân viên...
Chúng tôi cứ nghĩ sẽ chịu lỗ vài tháng vì ban đầu sẽ ít khách, nhưng điều bất ngờ là ngay từ hôm khai trương khách đã rất đông rồi. Doanh thu ngày từ tháng đầu tiên đã rất khởi sắc. Nhưng có điều là tôi còn làm việc ở công ty nên chỉ đến quán vào buổi tối, còn bạn tôi nghỉ việc hẳn để lo ở quán suốt thời gian. Tôi cũng tin tưởng, giao việc điều hành quán cho bạn luôn. Chuyện sẽ chẳng có gì đến lúc dịch Covid-19 ập tới. Lệnh giãn cách xã hội mấy đợt năm 2020 cộng thêm việc sinh viên nghỉ quá nhiều khiến tình hình kinh doanh trở nên rất nghiêm trọng. Chúng tôi phải gồng mình chịu lỗ vì khoảng thời gian doanh thu giảm.
Đến khi tình hình ổn định trở lại, bạn tôi đề nghị chuyển mô hình từ quán cà phê bình thường sang quán cà phê máy lạnh, rộng rãi nhằm phục vụ sinh viên học bài. Nếu chuyển đổi, thì cần phải góp thêm vốn. Tôi nghĩ dịch còn dài, cứ vài tháng lại có ca nhiễm mới mà mở rộng đầu tư bây giờ thì rất là mạo hiểm, nên phản đối. Vậy là bạn tôi đề nghị tôi thoái vốn để thanh lý mặt bằng để mình bạn tự mở rộng. Tôi đồng ý. Sau khi tính toán tất cả thì tôi nhận lại được 15 triệu đồng từ số tiền đầu tư ban đầu. Cộng với số tiền chia lợi nhuận hàng tháng (tháng có, tháng không) thì tôi chưa hoàn được số vốn 150 triệu.
Tôi ngậm ngùi cầm tiền về và chỉ biết than thời thế chưa ủng hộ mà thôi. Tuy nhiên, vấn đề chính khiến tôi quyết định chấm dứt mối quan hệ bạn bè vì phát hiện ra cậu bạn và vợ cậu ấy vẫn tiếp tục kinh doanh quán cà phê đó, chỉ đổi tên quán mà thôi. Tôi có cảm giác mình bị lợi dụng vì nếu quán thua lỗ thật sự thì sao cậu bạn vẫn tiếp tục bán? Và lời đề nghị chuyển mô hình quán có phải là cái cớ để đẩy tôi ra khỏi cuộc chơi?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.