Nói đến Ấn Độ và lối kiến trúc Mughal, du khách thường nghĩ tới lăng mộ Taj Mahal, một biểu tượng về tình yêu vĩnh cửu của người chồng dành cho vợ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cảm hứng cho thiết kế vĩ đại ấy có thể tìm thấy cách đó vài trăm km về phía bắc Delhi - Lăng mộ của hoàng đế Humayun vương triều Mughal. Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1572-1576 dưới sự chỉ đạo của hoàng hậu Hamida Baba Begum. Lăng mộ này mới chính là công trình tiêu biểu nhất cho phong cách Mughal vang danh thế giới sau này.
Hoàng đế Humayun là con trai vị hoàng đế Mughal đầu tiên - Babur. Ông thừa kế ngai vàng vào năm 23 tuổi, khi còn chưa ý thức được vị trí mình đang nắm giữ. Ông thích đắm mình vào những trò vui thanh sắc và các tiệc rượu kéo dài không dứt chốn hậu cung. Chính điều này đã dẫn đến sự tranh chấp giữa Humayun và 3 người em trai có ý định chiếm quyền nắm giữ vương quốc. Họ cấu kết với một quý tộc xảo quyệt người Afghanistan tên Sher Shah, tấn công nhà vua từ phía đông và lập nên nhà Sur trên lãnh thổ của Humayun. Humayun bị bao vây và buộc phải bỏ trốn sang Ba Tư, nơi ông sống lưu vong trong suốt 15 năm. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian ông tiếp cận với nghề thủ công tinh xảo của các nghệ nhân Safavid.
Năm 1556, với sự ủng hộ của Ba Tư, Humayun quay trở về Delhi để giành lại ngai vàng. Chỉ 6 tháng kể từ ngày quay về ngôi vị, ông bị ngã trên cầu thang thư viện và qua đời, chấm dứt quãng thời gian trị vì ngắn ngủi.
Nhằm tôn vinh người chồng đã mất, hoàng hậu Hamida Baba Begum đã mời Mirak Mirza Ghiyas, kiến trúc sư từ thành phố Herat, phía tây bắc Afghanistan, để xây lăng mộ nhà vườn đầu tiên trong lịch sử. Công trình có sự pha trộn các yếu tố Ba Tư và Mughal, lập nên một khuôn mẫu cho kiến trúc Mughal các đời tiếp theo mà đỉnh cao là Taj Mahal hoàn thành vào năm 1648.
Khu vườn rộng lớn được chia thành 4 khu vực, phân tách bởi các hào nước bao quanh. Lăng mộ cao 47 m, gồm 2 tầng, mái vòm trên cùng cao 8 m được lát bằng đá cẩm thạch trắng trong khi phần còn lại xây bằng đá sa thạch đỏ. Lăng mộ được tính toán dựa theo những quy tắc nghiêm ngặt trong hình học Hồi giáo với sự nhấn mạnh vào con số 8.
Lăng mộ này mất 7 năm xây dựng và chính thức hoàn thành sau 16 năm kể từ ngày Humayun qua đời. Tuy nhiên, khu vườn cần một số tiền lớn để duy trì, cộng với việc chuyển thủ phủ Mughal từ Delhi tới Agra dẫn tới việc lăng mộ bị bỏ hoang và trở thành đống đổ nát. Năm 1947, hàng nghìn người dân tị nạn đã dựng trại bên trong bức tường khiến nhiều phần kiến trúc không còn giữ được nguyên vẹn như ban đầu.
Bước ngoặt đến với lăng mộ Humayun khi UNESCO công nhận nơi này là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Lăng mộ cũng được phục hồi lại nguyên trạng thông qua sự tài trợ của quỹ Aga Khan Trust for Culture. Tháng 9/2013, sau hai thế kỷ bị lãng quên, lăng mộ Humayun đã mở cửa cho du khách đến tham quan và một lần nữa ghi tên mình vào danh sách "Những tòa nhà đẹp nhất thế giới".
Xem thêm: Quê hương đổ nát của các tỉ phú Ấn Độ
Hải Thu