Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 23/3/2016, 20:03 (GMT+7)

Quê hương đổ nát của các tỉ phú Ấn Độ

Nằm ở phía bắc bang Rajasthan, Shekhawati nổi tiếng với những tòa biệt thự cổ từng là nơi ở của rất nhiều nhà buôn giàu có.

Ngôi nhà cổ giàu có

Nằm ở khu vực cằn cỗi bị lãng quên trên sa mạc Thar, bang Rajasthan, vùng Shekhawati từng là nhà của những tỉ phú Ấn Độ. Ngày nay, các biệt thự cổ của họ đều đã đổ nát, những bức tranh tường đang mờ nhạt dần làm cho khu di tích mất đi vẻ đẹp huy hoàng trước đây.  

Thị trấn bụi mờ "tắm" trong sắc màu

Các bức vẽ phủ kín gần như từng centimet của những ngôi biệt thự lớn, thị trấn và làng mạc ở Shekhawati. Vì vậy, nơi này trở thành địa điểm có nhiều tranh tường cỡ lớn nhất. Để bảo vệ khu di sản này khỏi sự tàn phá của thời gian, chính quyền Shekhawati cấm chủ nhân những biệt thự cổ bán cho người ngoài. Mục đích của họ là bảo tồn, nâng cấp Shekhawati thành một điểm du lịch mới. 

Sự trỗi dậy của những nhà buôn thành công

Shekhawati được thành lập nên từ cuối thế kỷ 15, và thật sự chuyển mình mạnh mẽ vào thế kỷ 19. Thuế ở đây thấp hơn nhằm thu hút các nhà buôn và làm thay đổi các cung đường buôn bán tới vùng lân cận như Jaipur và Bikaner. Nhóm người chuyên buôn bán ở Ấn Độ (họ hàng với cộng đồng Marwari, Bania) di cư về Shekhawati từ các thị trấn xung quanh. Họ sở hữu nhiều của cải và hàng hóa như vải vóc, hương liệu, thuốc phiện… Tuy nhiên, cuối thế kỷ 19, sự phát triển thương mại ở Shekhawati không còn nữa. 

Nơi sự giàu có và nghệ thuật hòa quyện với nhau

Khi việc buôn bán chuyển từ các chuyến xe hàng sang đường biển và tàu vào những năm 1820, các trung tâm thương mại Rajasthan cũng bị bỏ quên. Tuy nhiên, những thương nhân mới của Shekhawati cũng tìm con đường khác và đi về Bombay, Calcutta nằm gần bờ biển để buôn bán và chuyển tiền về quê nhà. Những bức bích họa rực rỡ trên các công trình còn sót lại đều thể hiện sự hưng thịnh một thời của Shekhawati. 

Những thiết kế công phu và tỉ mỉ

Hầu hết các biệt thự cổ đều được xây dựng theo cùng một kiểu kiến trúc với hai tòa nhà cao tầng và 2-4 sân nhỏ tạo thành một khuôn viên vuông góc. Mỗi sân và các phòng tương ứng được bố trí với mục đích riêng. Sân đầu tiên sau cửa vào dành cho đàn ông và công việc buôn bán của họ, sân thứ hai cho phụ nữ và hai sân khác để nấu ăn và đặt chuồng nuôi động vật. Chủ nhân chúng cũng tìm mọi cách để tạo sự khác biệt cho nhà mình bằng việc dùng cửa gỗ chạm khắc, đồ kính tráng lệ, hay vẽ các bức bích họa mô tả đời sống thường nhật hoặc chuyện thần thoại.

Bích họa tô điểm từng bề mặt

Lấy cảm hứng từ những tranh tường thế kỷ 17 của các vua Rajput ở pháo đài Amer, các nhà buôn bắt đầu trang trí nhà ở của mình từ tường, nội thất, ngoại thất, trần đến khung tò vò và mái hiên. Cảnh tượng trong sử thi Hindu xuất hiện cùng nhiều chi tiết hoa lá là nội dung phổ biến nhất của tranh tường thế kỷ 19 ở Shekhawati.   

Sự pha trộn giữa thần thoại và hiện đại

Đầu thế kỷ 20, các bức bích họa bắt đầu có sự ảnh hưởng của châu Âu và những tiến bộ hiện đại, phản ánh về các thương gia chu du nhiều hơn. Các họa sĩ được cử đi xa để học tập, quan sát và sáng tạo. Giữa vô số bích họa kiểu cũ ở Shekhawati, du khách vẫn có thể tìm được tranh về nữ hoàng Elizabeth, chúa Jesus, thiên sứ, máy hơi nước, máy hát. Đặc biệt hơn là sự xuất hiện của hình ảnh có sự kết hợp giữa thần thoại và sáng chế hiện đại như thần Hindu đi ô tô (góc trái trên hình).

Sự lãng quên ở Shekhawati

Các biệt thự trang trí bích họa ở Shekhawati xuất hiện nở rộ cho tới đầu thế kỷ 20, sau khi những ông trùm buôn bán bỏ lại sa mạc để tìm tới cơ hội làm ăn tốt hơn ở Bombay và Calcutta hoặc ra nước ngoài. Từ đó, những công trình xa hoa này đều bị lãng quên.

Các tỉ phú công nghiệp Laxmi Mittal, Kumar Birla của tập đoàn Aditya Birla, tỉ phú buôn dược phẩm Ajay Piramal đều có nguồn gốc từ những ngôi làng ở Shekhawati. Theo tạp chí Forbes, gần 25% trong số 100 người giàu nhất Ấn Độ từng đến từ Shekhawati. 

Cuộc sống mới cho những biệt thự cổ

May mắn thay, giá trị thẩm mỹ, văn hóa của những biệt thự cổ vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Năm 1999, họa sĩ Pháp Nadine Le Prince đã tôn tạo lại tòa biệt thự Nand Lal Devra có từ năm 1802, biến nó thành một trung tâm văn hóa. Một số biệt thự khác cũng được bảo tồn, sửa sang và chuyển thành bảo tàng, điểm tham quan mở cho du khách tới thăm. Số khác lại trở thành các khách sạn. 

Havelis là các biệt thự xây theo kiểu truyền thống ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal hay Bangladesh. 

Hương Chi (theo BBC)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net