Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc gặp với nhà đầu tư, đối tác của dự án Nhà máy điện khí Chân Mây LNG hôm 7/11.
Nhà máy điện này do Công ty cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện độc lập (IPP), tức không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.
Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, và dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.
Nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV, trong tổng khoảng cách dưới 10km. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.
Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chân Mây LNG cho biết công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư, thiết kế xây dựng nhà máy. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ từ tỉnh, các đối tác nhằm sớm bắt tay vào công việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường, do vậy, các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên. Ông cũng đánh giá cao tính khả thi của dự án, nhất là các đối tác của dự án máy điện khí LNG Chân Mây do tiềm lực mạnh và có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện khí.
Ngoài việc đầu tư vào dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các đối tác nước ngoài, trong đó có Công ty Mitsubishi nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực thế mạnh khác như cảng biển, logistics.
Đức Minh