Ông Thọ cho rằng, mai vàng Huế được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành biểu tượng mùa xuân, gắn liền với đời sống thường nhật của Huế. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của thiên tai, sự phát triển đô thị, phong trào trồng mai vàng trước ngõ nhà của người dân bị mai một.
Nhằm khôi phục và phát triển hoàng mai Huế, ông Thọ kêu gọi các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh trồng mai vàng trước ngõ, trong sân vườn. Các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp mỗi đơn vị tiên phong trồng ít nhất 2 cây.
Với mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam, ông Thọ yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức phát động và trồng mai vàng trên địa bàn; quy hoạch trồng các vườn, đường mai vàng tạo điểm nhấn không gian; tổ chức các vườn mai giống để cung ứng cho thị trường.
Thành phố Huế được giao nhiệm vụ nghiên cứu phát triển rừng mai vàng ở khu vực núi Ngự Bình sau khi giải tỏa nghĩa trang và phát triển các đường mai vàng tại trung tâm đô thị. Vườn mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn sẽ tiếp tục mở rộng.
Trung tâm Công viên Cây xanh Huế được giao nhiệm vụ nhân giống hoàng mai Huế tại các vườn mai; tổ chức lễ hội mai vàng hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán nhằm tạo sân chơi, giới thiệu, quảng bá thương hiệu "Hoàng mai Huế".
"Khôi phục việc trồng mai vàng là việc làm lâu dài, là trách nhiệm của từng gia đình, cơ quan, đơn vị. Mai vàng trước ngõ là giải pháp góp phần quan trọng xây dựng Huế - thành phố bốn mùa hoa, thành phố hoàng mai", ông Thọ nói.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thí điểm trồng hai vườn mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn. Mỗi khi Tết về, hai vườn hoa nở vàng rực, tỏa hương thơm thanh khiết, thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm.
Võ Thạnh