UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt đề án xây dựng đô thị Huế đến năm 2030, trong đó mở rộng quy mô đô thị này từ 79 km2 hiện nay lên khoảng 267 km2.
VnExpress có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh nội dung trên.
- Vìsao thành phố Huế phải mở rộng diện tích mà không giữ như hiện nay và quy hoạch các đô thị vệ tinh xung quanh, thưa ông?
- Huế hiện nay là đô thị trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích 70 km2, là thành phố loại I trực thuộc tỉnh. Trong khi đó Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định thành phố trực thuộc tỉnh phải có quy mô 120 km2, như vậy diện tích thành phố Huế không đảm bảo.
Hơn nữa, mật độ dân số Huế đang quá cao, hơn 5.000 người/km2, diện tích xây dựng đã sử dụng là 80%. Quy mô thành phố hiện nay không đảm bảo phát triển và kết nối hạ tầng, đòi hỏi phải mở rộng để đáp ứng không gian sinh sống của cộng đồng cũng như xây dựng mô hình nhà vườn mật độ thấp để bảo tồn văn hóa di sản, bảo vệ môi trường.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh |
Thực tế các vùng lân cận Huế như khu đô thị An Vân Dương đã đô thị hóa một cách mạnh mẽ những năm gần đây. Việc mở rộng thành phố theo quy luật tự nhiên chứ không phải sáp nhập cơ học. Huế sẽ mở rộng theo trục sông Hương với mục tiêu quản lý tốt hơn, đồng bộ hơn những di sản cố đô phần lớn nằm dọc dòng sông.
- Với "chiếc áo" rộng hơn, tốc độ đô thị hoá nhanh hơn, cố đô sẽ giữ nét đẹp truyền thống như thế nào?
- Huế là thành phố đặc thù với vẻ đẹp "chẳng nơi nào có được", đồng thời được quốc tế trao tặng nhiều danh hiệu như thành phố ASEAN về văn hóa, thành phố môi trường ASEAN, thành phố xanh của Việt Nam, thành phố Festival... Những vẻ đẹp và danh hiệu đó không phải ngẫu nhiên mà có. Hơn 700 năm nay, trải qua bao biến động của thời gian, Huế vẫn bảo tồn được trong lòng đô thị những giá trị về di sản cố đô, những nét đặc sắc về văn hóa. Do vậy chúng ta không lo lắng Huế mở rộng thì sẽ mất bản sắc văn hoá, mà ngược lại giúp Huế phát triển tốt hơn.
Huế định hướng mở rộng theo trục sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh |
Nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Huế được hình thành từ không gian kiến trúc, từ tính cách con người. Tất cả được phát huy trong một không gian phù hợp để tạo nên một diện mạo mới cho đô thị Thừa Thiên Huế tương lai.
- Cùng với kế hoạch mở rộng đô thị, tỉnh cũng đặt mục tiêu lên thành phố trực thuộc Trung ương. Sát cạnh Thừa Thiên Huế đã có Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, ông trả lời thế nào nếu người dân nghĩ đây cuộc chạy đua?
- Thành phố Huế thời trước là kinh đô, giữ vị thế đô thị quan trong bậc nhất của Việt Nam. Bây giờ Huế là cố đô vai trò không còn như xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta nhớ lại cách đây 60 năm, trong kết nghĩa ba thành phố Bắc Trung Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên sự kết nghĩa ba thành phố lớn lúc bấy giờ là Huế, Hà Nội và Sài Gòn.
Huế cần phải trở lại vị thế vốn có, qua đó giúp thu hút nhiều nguồn lực hơn, có điều kiện hơn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giữ gìn bản sắc văn hóa.
Huế, Thừa Thiên Huế tương lai cùng Đà Nẵng sẽ là hai thành phố song đôi trong quá trình phát triển. Hai thành phố hợp lực nâng cao sức mạnh để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ngang tầm với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Tôi nghĩ đây không phải là một cuộc đua mà là một cuộc hợp lực để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Người dân được hưởng lợi ích gì trong công cuộc mở rộng và nâng cấp đô thị này?
- Mục tiêu cuối cùng của những việc này để người dân có nhiều việc làm hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khi vị thế Thừa Thiên Huế được nâng cao, trở thành một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương (cùng với Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), rõ ràng Huế sẽ thu hút nguồn lực Trung ương tốt hơn, có sức hút nhiều hơn với các nhà đầu tư.
Chúng tôi đang xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi ở Huế không chỉ ở thủ tục nhanh chóng, cơ sở hạ tầng tốt mà phải đảm bảo về giáo dục, y tế, văn hóa nổi trội. Nhà đầu tư sẽ tìm được những giá trị cốt lõi về thiên nhiên, văn hóa và nhân văn ở Huế. Tỉnh cũng chọn lọc những nhà đầu tư có thương hiệu, mong muốn được đầu tư lâu dài ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Trên cơ sở đó, Thừa Thiên Huế sẽ có điều kiện tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập người dân.
Thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Thạnh |
Tôi nói ví dụ, du khách đến với cố đô sẽ thấy một thành phố Huế sạch hơn nhiều so với trước. Đây vừa là một nỗ lực tất yếu của Huế với tư cách đô thị du lịch, cũng vừa để góp phần vào đề án xây dựng đô thị Huế đến năm 2030.
Qua phong trào ngày "Chủ nhật xanh", người dân Huế không phân biệt lứa tuổi, tôn giáo, nghề nghiệp đã cùng nhau nhặt rác, góp sức tạo nên môi trường xanh sạch đẹp. Sự khởi sắc của Huế không chỉ ở những công việc vĩ mô mà từ những việc cụ thể như vậy.
Mô hình Huế là mô hình của đô thị văn hóa, di sản, cảnh quan môi trường thân thiện với người dân. Du lịch được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với các ngành quan trọng khác như giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp và công nghiệp kỹ thuật cao sẽ tạo ra sức sống mới cho tỉnh và cho mỗi người dân trên địa bàn.
- Đầu năm học mới 2019 - 2020, ông có bức thư gửi thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trong tỉnh, kêu gọi cùng bắt tay xây dựng "Giấc mơ Huế". Khái niệm "Giấc mơ Huế" được hiểu như thế nào?
- Nhớ lại khi còn là học sinh rồi đến những ngày ra Hà Nội học tiếng Nga để chuẩn bị du học ở Liên Xô (cũ), mỗi lần được nghỉ học về quê, tôi thường đi bộ dưới những hàng cây dọc đường Lê Lợi để về nhà. Lúc đó nhìn dòng sông Hương yên bình, tôi đã có những phút xao lòng kỳ lạ. Đất nước giai đoạn đó còn nghèo, tôi trăn trở làm sao Huế ngày một đẹp hơn, giàu hơn.
Bức thư tôi viết từ cảm xúc như vậy. Theo tôi, giấc mơ Huế là xây dựng một xứ sở hạnh phúc, ở đó cuộc sống của người dân sung túc, xã hội bình yên và chính quyền thân thiện. Mục tiêu hướng tới là làm sao để người dân được hưởng phúc lợi nhiều hơn, nhất là về giáo dục và y tế.
Xây dựng giấc mơ Huế chính là tạo một môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển kinh tế; tạo môi trường làm việc sáng tạo để các trí thức và những người tâm huyết với Huế có điều kiện và khả năng cống hiến tốt nhất, sớm đưa Huế phát triển xứng đáng với vị thế và vai trò vốn có.
Chính quyền phải nỗ lực nhiều hơn trong phục vụ người dân, thân thiện và hiện đại để đem lại hiệu lực, hiệu quả trong quản trị điều hành địa phương.
Huế hiện là một trong những thành phố nhỏ nhất Việt Nam. Kinh thành Huế nằm ở bờ Bắc sông Hương, khu vực này chỉ rộng hơn 10 km2 với 4 phường nội thành, 10 phường ngoại thành. Ở bờ Nam sông Hương, cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển hiện đại hơn bờ Bắc, song quy mô và cơ sở hạ tầng còn hạn chế so với nhiều đô thị khác của cả nước.
Võ Thạnh