Ông Lưu viết, trong thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện dự án di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế. Tuy nhiên phần lớn các hộ dân bị di dời đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống hết sức khó khăn. Vì vậy Ban thường vụ Tỉnh ủy kêu gọi các cá nhân tổ chức doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đóng góp vào quỹ người nghèo tỉnh để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khu vực Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, đây là nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực này sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố.
Tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch di dời 4.200 hộ dân khỏi khu vực I di tích để trả lại diện mạo Kinh thành Huế xưa kia và phát triển du lịch với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng.
Tỉnh đã lập quy hoạch khu tái định cư ở phường Hương Sơ và An Hòa với diện tích gần 78 ha, bố trí 3.526 lô đất tái định cư cho người dân, diện tích mỗi lô đất từ 60 m2 đến 200m2.
Kế hoạch di dời dân chia hai giai đoạn, giai đoạn một, từ năm 2019-2021, di dời hơn 2.930 hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ thành hào. Giai đoạn 2 từ năm 2022-2025, di dời hơn 1.200 hộ dân các khu vực còn lại.
Theo phương án đền bù giải tỏa, các hộ dân có nhà trong di tích Kinh thành Huế trước ngày 15/10/1993 sẽ được hỗ trợ 100% giá trị căn nhà nhưng không vượt quá 200 m2; các hộ dân sau ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2004 được hỗ trợ 50%. Ngoài ra, chính quyền hỗ trợ tiền thuê nhà trong 6 tháng cho người dân sau khi di dời, hỗ trợ tiền chuyển nhà.
Trong năm 2019, hơn 500 hộ dân sống ở Thượng Thành, gồm 32 hộ nghèo, sẽ được di dời đợt đầu tiên vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, các hộ dân nghèo khi đi xem nơi ở mới cùng ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã bày tỏ lo ngại không có tiền xây nhà mới.
Võ Thạnh