Theo Bloomberg, Huawei đang xem xét cung cấp thiết kế điện thoại của mình cho công ty Thiết bị Viễn thông và Bưu điện Trung Quốc (PTAC). Một đơn vị của PTAC là Xnova sẽ tìm cách mua linh kiện chứa công nghệ Mỹ, sau đó áp dụng thiết kế Huawei và sản xuất smartphone mang thương hiệu mới hoàn toàn.
Trước đây, PTAC từng là đối tác phân phối dòng smartphone Nova của hãng và sản phẩm mới có thể cũng có tên gọi tương tự.
Trong khi đó, một nguồn tin khác tiết lộ Huawei đang thực hiện bước đi tương tự với hãng viễn thông TD Tech. TD Tech cũng sản xuất điện thoại dưới thương hiệu mới để dùng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh mối quan hệ đối tác có thể thay đổi thời gian tới, do vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Một nhóm kỹ sư Huawei đã bắt đầu nhận nhiệm vụ thiết kế lại vi mạch của một số smartphone bán chạy trước đây, như tìm cách giúp chúng tương thích tốt hơn với vi xử lý Qualcomm và MediaTek. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến hy vọng quan hệ chiến lược mới sẽ giúp các đối tác bán được 30 triệu smartphone mới trong năm 2022.
Huawei chưa đưa ra bình luận.
Theo các chuyên gia, động thái mới có thể là cơ hội tốt cho Huawei trong việc cứu vãn hoạt động kinh doanh smartphone sau khi chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ từ tháng 5/2019. Trong hơn 2 năm, việc không thể dùng công nghệ Mỹ, nhất là công nghệ trong sản xuất bán dẫn và ứng dụng Google, khiến mảng này suy yếu nhanh chóng. Từ việc luôn đứng trong top 3 các công ty điện thoại lớn nhất thế giới, Huawei giờ đây đã văng khỏi top 5 và thứ hạng vẫn tiếp tục đi xuống.
Một năm trước, Huawei phải bán thương hiệu con Honor cho một liên doanh thuộc nhà nước Trung Quốc. Các sản phẩm Honor có thể dùng linh kiện Mỹ và các dịch vụ Google. "Thành công từ Honor có thể đã khuyến khích Huawei tìm đến các mối quan hệ đối tác mới để duy trì hoạt động kinh doanh smartphone", Bloomberg bình luận.
Như Phúc (theo Bloomberg)