"Kể từ ngày 16/5/2019, Huawei đã học cách sống với các hạn chế của Mỹ. Tôi đã nhiều lần nói chúng tôi đã quen với việc sống và làm việc theo Danh sách thực thể Mỹ. Tôi tin đó là một trải nghiệm độc đáo cho mọi nhân viên", ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, chia sẻ trong buổi họp báo trực tuyến ngày 24/9.
Trả lời AP, ông thừa nhận "không thể hình dung Huawei sẽ thế nào trong 5 hoặc 10 năm tới và chỉ có thể hy vọng Huawei vẫn tồn tại vào thời điểm đó". Ước tính mất 30 tỷ USD doanh thu mỗi năm vì lệnh cấm, hãng đang phải mở rộng các lĩnh vực kinh doanh mới, giảm quy mô một số lĩnh vực, thậm chí bán một số đơn vị để đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Một trong các hướng đi của hãng là "khám phá các bộ phận kinh doanh không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chip".
Đầu tư vào nông nghiệp thông minh
Đầu tháng 2, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đánh giá khả năng Mỹ gạch tên công ty khỏi danh sách cấm vận rất thấp. "Chúng tôi vẫn có thể tồn tại không cần dựa vào doanh số điện thoại", ông khẳng định.
Sau đó một tuần, Duan Aijun, Chủ tịch mảng Thị giác máy tính Huawei, thông báo trên Weibo về dự án nuôi lợn bằng AI. Các mô hình chăn nuôi ngày càng hiện đại hóa, đòi hỏi sự hỗ trợ của công nghệ cao. Một số tập đoàn công nghệ Trung Quốc như JD.com, NetEase và Alibaba cũng đang tham gia lĩnh vực này.
Đến tháng 3, theo Bloomberg, một trong những khách hàng mới nhất của Huawei là một trại cá lớn ở phía đông Trung Quốc. Trang trại này bao quanh bởi hàng chục nghìn pin năng lượng mặt trời sử dụng biến tần inverter của Huawei, vừa che nắng cho cá vừa tạo ra điện năng. Cách đó 600 km về phía tây, ở tỉnh Sơn Tây, các cảm biến và camera không dây của Huawei đặt sâu trong lòng đất có nhiệm vụ theo dõi mức oxy và lỗi máy móc trong hầm mỏ.
Với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn duy trì sức ép, quyết định lấn sân sang nông nghiệp thông minh của Huawei là bước đi dễ hiểu nhằm duy trì tăng trưởng trong bối cảnh kinh doanh smartphone gặp nhiều trở ngại.
Đưa công nghệ số lên ôtô
Huawei cho biết hãng đã đầu tư nghiên cứu về ôtô thông minh từ vài năm trước. Tuy nhiên, họ không trực tiếp sản xuất ôtô, mà tự định vị là nhà cung cấp giải pháp và linh kiện cho xe thông minh, như dịch vụ điện toán đám mây, buồng lái thông minh... "Ngành công nghiệp xe thông minh đang trải qua sự thay đổi to lớn, giống như sự chuyển đổi từ điện thoại cơ bản sang smartphone. Chúng tôi kiên nhẫn và có đủ chiến lược đầu tư vào lĩnh vực này mà không yêu cầu đạt lợi nhuận trong thời gian ngắn", phát ngôn viên Huawei nói với SCMP.
Hồi đầu năm, Huawei và đối tác thử nghiệm con đường thông minh có thể tương tác với xe tự lái tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Xe buýt không người lái với hệ thống camera và cảm biến gắn trên nóc sẽ liên tục trao đổi tín hiệu và nhận thông tin từ môi trường xung quanh, như đèn giao thông, biển báo đặt trên phố... Còn tại hội nghị dành cho các nhà phân tích toàn cầu ở Thâm Quyến tháng 4, hãng tuyên bố công nghệ tự lái của mình có thể vượt Tesla vì cho phép xe chạy hơn 1.000 km không cần sự can thiệp của con người, trong khi phương tiện Tesla không thể chạy quá 800 km.
Tham vọng điện toán đám mây
Tại Trung Quốc, Alibaba và Tencent nhiều năm dẫn đầu thị trường điện toán đám mây. Tuy nhiên, cả hai đang phải đối phó với thách thức từ Huawei. Sau lệnh trừng phạt của Mỹ, công ty có trụ sở tại Thâm Quyền đã tái cấu trúc, nhắm tới các thị trường sinh lợi đang phát triển, trong đó có cloud.
Tháng 9 năm ngoái, Huawei công bố mục tiêu trở thành một trong năm nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới. Hãng cũng quyết định "dốc toàn lực" để vượt Alibaba Cloud trước 2025. Đến quý IV/2020, theo IDC, thị phần đám mây của Huawei ở Trung Quốc đã ngang bằng với Tencent là 11%. Điều này thể hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ của hãng khi chỉ một năm trước, họ còn thứ năm trong lĩnh vực này với vòn vẹn 5,2%.
Trong họp báo ngày 24/9, Huawei một lần nữa nhấn mạnh việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian ngắn tới "không phải khó thực hiện".
Đầu tư và tự sản xuất chip
Huawei đang đẩy mạnh đầu tư vào các công ty sản xuất chip Trung Quốc để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Nikkei Asia cho biết tính đến đầu năm nay, hãng đã thâu tóm cổ phần trong 20 công ty liên quan đến lĩnh vực này, như công cụ thiết kế chip, vật liệu bán dẫn, thiết bị sản xuất và kiểm thử...
Cuối tháng 6, theo Digitimes, Huawei sẽ xây dựng nhà máy đầu tiên của HiSilicon ở Vũ Hán để sản xuất tấm wafer - thành phần quan trọng trong chế tạo chip. Ngoài ra, các dây chuyền cũng giúp hãng tự thiết kế chip và các mô-đun, vi mạch. Đây là động thái giúp Huawei tăng khả năng "tự cung tự cấp" sau khi bị cắt mối quan hệ với TSMC.
HiSilicon được Huawei thành lập từ cách đây 16 năm với mục tiêu nghiên cứu và thiết kế vi xử lý, trong đó có dòng Kirin cho smartphone cao cấp. Tuy nhiên, lệnh cấm của Mỹ khiến công ty không kịp trở tay vì hầu hết các bằng sáng chế lõi để sản xuất chip đều sử dụng công nghệ thuộc Mỹ.
Năng lượng tái tạo
Theo ông Eric Xu, việc ứng dụng công nghệ có thể giúp các ngành công nghiệp khác cắt giảm 12,1 tỷ tấn khí thải carbon thập kỷ tới. Tại sự kiện Huawei Connect 2021 tuần trước, hãng cho biết đang đầu tư vào các đổi mới sáng tạo để "hội tụ điện tử công suất với công nghệ kỹ thuật số", nhằm thúc đẩy năng lượng sạch và số hóa năng lượng truyền thống, cung cấp các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn cho ngành ICT carbon thấp.
Trong báo cáo Thế giới thông minh 2030, hãng dự đoán các nguồn năng lượng tái tạo mới, như điện mặt trời và gió, sẽ dần thay thế nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm 50% trong sản xuất điện toàn cầu, cung cấp năng lượng cho 80% cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Điệp Anh