Richard Yu, CEO mảng thiết bị điện tử tiêu dùng của Huawei, thừa nhận từ tháng tới, họ sẽ không thể sản xuất dòng chip Kirin của mình do lệnh cấm của Mỹ.
"Thật không may, với vòng cấm vận thứ hai của Mỹ, đối tác sản xuất chip cho chúng tôi chỉ nhận đơn đặt hàng đến 15/5 và quá trình sản xuất những đơn hàng này sẽ kết thúc vào 15/9", ông Yu nói trong một hội thảo công nghệ diễn ra cuối tuần trước ở Trung Quốc. "2020 có thể đánh dấu thế hệ cuối cùng của dòng chip Kirin".
Mẫu điện thoại cao cấp Huawei Mate 40, dự kiến ra mắt trong tháng 9, có thể là smartphone cuối cùng tích hợp chip Kirin.
Cách đây hai năm, ông Yu tuyên bố: "Năm 2019, chúng tôi sẽ tiến gần tới vị trí cao nhất. Ít nhất một năm sau, tức 2020, chúng tôi có cơ hội chạm tới ngôi vị số một". Đúng dự đoán, dù gặp nhiều cản trở, lần đầu tiên trong lịch sử, Huawei vượt qua Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất vào quý II/2020.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng vị trí này sẽ sớm sụp đổ vì 70% doanh số của hãng trong quý vừa qua được bán tại Trung Quốc, trong khi thị trường quốc tế sụt giảm tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghiêm trọng hơn, sau lệnh cấm năm ngoái, giữa tháng 5, Huawei tiếp tục chịu thêm đòn đau từ Washington. Mỹ yêu cầu các công ty nước ngoài phải xin giấy phép sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ nếu muốn sản xuất chip do Huawei thiết kế.
Huawei thành lập HiSilicon cách đây 16 năm với mục tiêu nghiên cứu và phát triển vi xử lý thông minh, trong đó có dòng Kirin cho smartphone cao cấp. Tuy nhiên, tương tự Apple, họ không trực tiếp sản xuất mà đặt hàng các công xưởng, như TSMC của Đài Loan. Vấn đề là các nhà máy như TSMC phải phụ thuộc vào công nghệ, phần mềm và trang biết bị của Mỹ mới có thể sản xuất được shipset.
"Chúng tôi đang trong tình huống khó khăn. Huawei đã dành hơn 10 năm để phát triển chip. Đây là tổn thất lớn với chúng tôi", ông Yu nói thêm.
"Doanh số smartphone của Huawei có thể sụt giảm mạnh thời gian tới khi không có chip Kirin", Greg Austin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Singapore, nhận định. "Lệnh cấm kéo dài bao lâu còn phụ thuộc ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ba tháng tới".
"Đa số smartphone của Huawei được bán ở Trung Quốc là dòng cao cấp. Việc thiếu hụt Kirin, dòng chip tích hợp trên các phiên bản cao cấp, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu và lợi nhuận của hãng", Jusy Hong, Giám đốc nghiên cứu mảng smartphone của Omdia, nói.
Huawei vẫn đang sử dụng chip của MediaTek cho các mẫu điện thoại tầm trung và giá rẻ. Hãng cũng đang tính đến việc đặt hàng chip của Samsung và MediaTek để thay thế Kirin trên dòng cao cấp. Tuy nhiên, các bên cũng đang đánh giá xem liệu họ có đủ nguồn lực để đáp ứng được đơn hàng đầy tham vọng của Huawei hay không.
Bên cạnh đó, tự phát triển chip là chiến lược hàng đầu của Huawei để giúp họ đứng vững trên thị trường smartphone và các thiết bị phần cứng khác. Do đó, việc phải sử dụng chip của đối thủ là giải pháp "cực chẳng đã", làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Châu An (theo SCMP)