Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/8 đã khởi động dự án "Thanh trừng ứng dụng", khuyến khích các công ty phát triển phần mềm gỡ bỏ ứng dụng của mình khỏi App Gallery của Huawei. Dự án này là một phần nằm trong sáng kiến Clean Network, nhằm loại các công ty được cho là "dính líu" tới chính phủ Trung Quốc ra khỏi mạng lưới thông tin của Mỹ.
Mặc dù chương trình Clean Network không bắt buộc về mặt pháp lý, nó sẽ khiến các nhà phát triển ứng dụng cân đong đo đếm những nguy cơ địa chính trị nếu tiếp tục hợp tác với các công ty Trung Quốc. Trên thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp điện tử tiêu dùng Trung Quốc cũng đang chịu không ít sức ép.
Paul Triolo thuộc Tổ chức Eurasia chia sẻ với Nikkei Asian Review: "Clean Network sẽ tác động tới chiến lược mở rộng hệ sinh thái lập trình viên cho Harmony OS của Huawei, trong khi hệ điều hành mới dự định sẽ được triển khai rộng rãi trên các mẫu máy mới của Huawei vào năm sau".
Tại hội nghị công nghệ Trung Quốc diễn ra tuần trước, trước thách thức đối với việc xây dựng hệ sinh thái ứng dụng của riêng mình, CEO của Huawei đã xác nhận rằng công ty sẽ không thể sản xuất chip Kirin từ tháng tới.
"Việc sản xuất chip sẽ bị dừng sau ngày 15/9", Richard Yu, Giám đốc điều hành Nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết. "Huawei đã dành hơn 10 năm để phát triển chip. Đó sẽ là tổn thất lớn với chúng tôi".
Chip tự thiết kế của Huawei giúp điện thoại thông minh của hãng này cạnh tranh được với iPhone của Apple. Chip Kirin cũng giúp hãng điện thoại Trung Quốc khác biệt trước các đối thủ trên thị trường. Bình luận của Yu chỉ ra rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt của Washington nhằm ngăn chặn nhà sản xuất chip từ Đài Loan chế tạo chip cho Huawei đang có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh điện thoại của hãng.
Động thái mới nhất của Washington chống lại Huawei được đưa ra sau khi công ty Trung Quốc này vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới về số lượng xuất xưởng - phần lớn nhờ vào vị thế thống trị tại thị trường quê nhà. Theo Counterpoint, Huawei chiếm 41,4% thị phần tại Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay.
Huawei vẫn đang phát triển hệ điều hành và kho ứng dụng của riêng họ kể khi bị phía Mỹ cắt đứt các dịch vụ quan trọng của Google năm ngoái. Tuy nhiên, ở nước ngoài, Huawei đã bị mất quyền truy cập vào các dịch vụ của Google, bao gồm cả những ứng dụng phổ biến nhất thế giới, như Google Maps, Gmail, YouTube. Huawei Mate 30 ra mắt tháng 9 năm ngoái là điện thoại cao cấp đầu tiên của hãng không hỗ trợ dịch vụ của Google.
Để bù đắp cho các dịch vụ của Google, Huawei đã chi mạnh nhằm thu hút các nhà phát triển ứng dụng đến với AppGallery - phiên bản Google Play của hãng. Tháng 9/2019, hãng đã cam kết chi 1 tỷ USD để thu hút các nhà phát triển nhằm thúc đẩy hệ sinh thái di động Huawei mã nguồn mở, thay thế cho chợ ứng dụng của Google. Hệ điều hành HarmonyOS sẽ thay thế cho hệ điều hành Android.
AppGallery của Huawei trước đây chỉ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, nơi không có Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành lựa chọn duy nhất cho người dùng điện thoại thông minh Huawei trên toàn thế giới vì không thể truy cập Google Play.
Huawei đã thu hút thành công khoảng 1,6 triệu lập trình viên xây dựng ứng dụng cho hệ điều hành của mình năm qua, nhưng con số đó vẫn chưa bằng 1/10 số nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS hoặc Android. CEO Tim Cook cho biết Apple đã có hơn 20 triệu nhà phát triển ứng dụng đăng ký trên iOS vào tháng 6/2018.
Việc không có ứng dụng từ Mỹ sẽ ảnh hưởng đến người dùng ở nước ngoài của Huawei nhiều hơn là ở thị trường quê nhà. Tại Trung Quốc, 50 ứng dụng phổ biến nhất của Huawei theo lượt tải xuống đều xuất phát từ các nhà phát triển Trung Quốc, theo dữ liệu của Qimai Data.
Lawrence Lin thuộc công ty DMC & Partners cho biết: "Thị trường đã trở thành thế giới lưỡng cực với các nhà phát triển ứng dụng. Họ buộc phải lựa chọn ưu tiên nguồn lực của mình cho hệ sinh thái Trung Quốc hay đầu tư cho hệ sinh thái quốc tế. Trong khi quy tắc của hai hệ thống hoàn toàn khác nhau".
Lin hiện cũng là một nhà phát triển ứng dụng và doanh nhân lâu năm. Ông cho biết Trung Quốc đã thắt chặt nhiều quy tắc, bao gồm yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng quốc tế lưu trữ dữ liệu của họ trên máy chủ ở địa phương, nếu họ bán ứng dụng của mình tại Trung Quốc. Chính những biện pháp đó đã khiến nhiều nhà phát triển nhỏ hay các công ty khởi nghiệp phải né tránh thị trường tỷ dân, này bởi không có đủ nguồn lực để phát triển nhiều phiên bản ứng dụng.
Lin nói: "Chương trình Clean Network sẽ khiến các nhà phát triển ứng dụng quốc tế miễn cưỡng trong việc tùy chỉnh cho người dùng Trung Quốc, nếu thị trường Trung Quốc không phải là ưu tiên hàng đầu của họ".
S.C. Chen, một nhà phát triển ứng dụng giàu kinh nghiệm và là Giám đốc điều hành của Brave Knight, cùng quan điểm với Lin. "Đối với chúng tôi, một startup, việc phát triển ứng dụng cho App Store hay Google Play chắc chắn sẽ dễ dàng hơn. Vì nếu tham gia vào thị trường ứng dụng Trung Quốc, chúng tôi phải thuê các nhà phân phối Trung Quốc tại địa phương và hoàn thành hàng đống thủ tục, giấy tờ. Hiện nay, chính phủ Mỹ đang không khuyến khích chúng tôi tùy chỉnh một phiên bản cho AppGallery của Huawei. Chúng tôi sẽ cân nhắc việc phát triển cho thị trường Trung Quốc".
Stacy Wu, một phân tích gia của Omedia, cho biết hiện tại vẫn chưa rõ có bao nhiêu nhà phát triển ứng dụng sẽ đáp lại lời kêu gọi của Mỹ về việc loại bỏ ứng dụng của họ khỏi nền tảng của Huawei. Wu nói với Nikkei: "Nếu các nhà phát triển thực sự làm vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng trên các thiết bị Huawei và ảnh hưởng sâu hơn đến doanh số bán điện thoại thông minh của công ty Trung Quốc".
Theo dự báo của Omedia, số lượng điện thoại thông minh bán trên toàn cầu của Huawei sẽ giảm khoảng 20%, xuống còn 196 triệu chiếc, trong năm nay và giảm tiếp xuống còn 147 triệu thiết bị cầm tay vào năm sau do những thách thức ở thị trường nước ngoài trong bối cảnh bị chính quyền Trump kiềm chế.
Việc mở rộng chương trình Clean Network cũng kêu gọi gỡ bỏ ứng dụng Trung Quốc "không đáng tin cậy" khỏi App Store của Apple và Google Play.
Huawei từ chối bình luận về hành động này.
Hôm 6/8, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh cấm giao dịch với WeChat và ByteDance, chủ sở hữu của TikTok. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, phát biểu cùng ngày: "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác bị Mỹ đơn phương trừng phạt đều vô tội. Công nghệ và sản phẩm của họ an toàn để sử dụng và họ chưa bao giờ gây tổn hại cho bất kỳ quốc gia nào".
Đăng Thiên (theo Nikkei)