Qualcomm đang muốn bán chip cho Huawei để hãng này tích hợp vào các thiết bị 5G của mình. Dưới áp lực của Mỹ, Huawei vừa phải "khai tử" mảng chip di động do nguồn cung ứng gặp khó khăn. Richard Yu, Giám đốc mảng Kinh doanh Tiêu dùng của hãng, chia sẻ trong một hội nghị công nghệ tại Trung Quốc rằng áp lực của Mỹ tới các nhà cung ứng linh kiện khiến HiSilicon - công ty con của Huawei - không thể tiếp tục sản xuất chip di động.
Với lệnh cấm bán linh kiện cho Huawei, chính phủ Mỹ đã trao cho các đối thủ nước ngoài của Qualcomm thị trường trị giá 8 tỷ USD mỗi năm. Qualcomm chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề trên.
Hãng sản xuất chip lớn nhất Mỹ vừa giải quyết các tranh chấp về việc cấp phép với Huawei vào tháng trước. Hãng công nghệ Trung Quốc đồng ý trả 1,8 tỷ USD cho Qualcomm, khoản thanh toán bao gồm phí cấp phép chưa thanh toán trước đây và cho phép Huawei có thể dùng công nghệ của Qualcomm trong sản xuất chip.
Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019, Huawei tăng cường việc tự thiết kế chip và đặt TSMC sản xuất dòng Kirin cho smartphone, cũng như chip cho trạm cơ sở 5G, chip AI, máy chủ... Nhờ đó, họ hạn chế phụ thuộc vào các nhà cung ứng Mỹ như Qualcomm hay Broadcom. Dưới áp lực của chính quyền Trump, TSMC sau đó cũng ngừng hợp tác với Huawei.
Công ty Trung Quốc buộc phải dựa vào một hãng gia công chip nội địa là SMIC. Ngày 7/8, SMIC tuyên bố kế hoạch tăng chi phí vốn lên 6,7 tỷ USD. Đây là lần thứ hai trong năm nay công ty này tăng vốn. Hồi đầu năm, SMIC đặt mức chi phí vốn là 3,1 tỷ USD sau đó tăng 4,3 tỷ USD vào tháng 5. Động thái này cho thấy quyết tâm lấp đầy khoảng trống của các công ty Mỹ để lại. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ đánh giá, ngành sản xuất và gia công chip của Trung Quốc vẫn còn khá non yếu và phải mất rất nhiều thời gian để có thể cạnh tranh với Mỹ.
Kim Cương (theo WJS)