"Huawei có thể cung cấp hệ sinh thái ngang tầm Google và Apple", Eric Tan, phó chủ tịch mảng dịch vụ đám mây và tiêu dùng của Huawei, cho biết. "Chúng tôi tự tin là một trong những nhà phát triển hệ sinh thái hàng đầu trên thế giới".
Phát biểu ông Tan đưa ra nằm trong cuộc thảo luận với nhóm Giám đốc điều hành của Huawei hôm 19/5. Trong cuộc họp này, đa phần đề cập đến các ưu điểm của HarmonyOS - nền tảng được Huawei đẩy mạnh sau khi bị Mỹ liệt vào danh sách đen và bị Google cấm sử dụng các dịch vụ cốt lõi của mình tháng 5 năm ngoái.
Theo nhóm này, HarmonyOS có tiềm năng trở thành hệ điều hành của tương lai nhờ khả năng hoạt động trên nhiều thiết bị như TV, máy tính, smartphone... thay vì chỉ một mình điện thoại như hầu hết nền tảng phổ biến khác. Điều này sẽ giúp Huawei thu hút các nhà phát triển muốn tạo ra một ứng dụng cho nhiều thiết bị phần cứng khác nhau.
Bên cạnh đó, nhóm Giám đốc cấp cao của Huawei cũng đề cập đến Huawei Mobile Services (HMS) - hệ sinh thái ứng dụng mới của công ty Trung Quốc nhằm thay thế cho Google Mobile Services(GMS) của Google. Ông Tan cho biết, tính đến cuối tháng 3, công ty đã thu hút 1,4 triệu nhà phát triển, tăng 115% so với quý I/2019.
Kết quả mà Huawei đưa ra khá tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói đến sự thành công của HarmonyOS lẫn HMS. Thực tế, việc thiếu GMS và loạt dịch vụ Google như Play Store, Gmail, YouTube... không phải là vấn đề lớn với Huawei tại Trung Quốc, vì chúng đã bị chặn từ lâu. Nói cách khác, Huawei sẽ có cơ hội thành công rất lớn ở thị trường nội địa với HarmonyOS và HMS.
Tuy nhiên, khi vươn ra thị trường quốc tế lại là chuyện khác nếu không có Google, khi hầu hết ứng dụng được xây dựng dựa trên các giá trị cốt lõi của công ty tìm kiếm. "Rất khó để dịch vụ của Huawei được chấp nhận tại thị trường bên ngoài Trung Quốc, vì mọi người đã quá quen thuộc với loạt giải pháp của Google, từ quản lý quyền kỹ thuật số, địa điểm, thanh toán, bản đồ đến các dịch vụ thông báo. Điều đó cho thấy, HarmonyOS và hệ sinh thái đi kèm là sản phẩm khó bán", Bryan Ma, Phó chủ tịch mảng nghiên cứu thiết bị tại IDC, nói với CNBC.
Cũng theo ông Ma, nhà phát triển đang có xu hướng không làm ứng dụng tràn lan. Thay vào đó, họ thường xuyên phải chọn lọc những dự án tốt nhất và dành gần như toàn bộ thời gian để xây dựng. Việc lựa chọn nền tảng để gửi gắm "đứa con" của mình cũng là yếu tố chính, quyết định sự tâm huyết mà họ bỏ vào đó ở mức nào.
HMS có hai thành phần, một trong đó hướng tới người dùng gồm AppGallery và các ứng dụng, dịch vụ Huawei bên thứ nhất. Thành phần thứ hai là bộ công cụ dành cho nhà phát triển, được gọi là HMS Core, tạo thành từ nhiều API, SDK và dịch vụ khác nhau, hỗ trợ tạo và cải thiện ứng dụng. Theo Huawei, 60.000 ứng dụng hiện sử dụng HMS Core, nhưng không đề cập đến việc chúng ra đời ở đâu và đang phục vụ tại khu vực nào.
"Huawei vẫn còn thiếu rất nhiều ứng dụng lớn, nhất là những sản phẩm có độ phủ sóng toàn cầu", Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nhận định. "Bên ngoài Trung Quốc, họ sẽ gặp không ít khó khăn, bởi thiếu các dịch vụ lớn từ Mỹ, chẳng hạn Netflix, nhóm ứng dụng Facebook (Facebook, Instagram, WhatsApp) bên cạnh loạt sản phẩm Google".
Thực tế, cửa hàng ứng dụng AppGallery hiện không có nhiều sản phẩm mang tính phổ biến ở quy mô toàn cầu. Người dùng không thể tải loạt phần mềm từ Google, Facebook, còn Netflix hoặc Spotify cũng không có sẵn. Có chăng, họ chỉ có thể sử dụng TikTok, Weibo... hay một số phần mềm có nguồn gốc Trung Quốc khác.
Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, hồi tháng 3 từng bày tỏ ý kiến muốn Google đưa ứng dụng của mình lên AppGallery, như cách mà hàng làm trên cửa hàng App Store của Apple. Tuy nhiên, điều đó rất khó xảy ra, kể cả khi công ty tìm kiếm không tuân thủ lệnh cấm của Mỹ.
"Bỏ qua các giới hạn pháp lý, tôi cho rằng rất khó để Google mang ứng dụng của mình lên AppGallery, bởi chúng có cùng mối quan hệ nền tảng, thậm chí chung nhà phát triển. Tất nhiên, chính Google cũng muốn thúc đẩy dịch vụ của họ hơn là mang chúng đến cho đối thủ", ông Ma cho biết.
Bảo Lâm (theo CNBC)