Theo CNBC, một năm sau ngày bị đưa vào danh sách "đen" của Bộ thương mại Mỹ, Huawei tiếp tục bị áp đặt lệnh trừng phạt mới liên quan đến việc sản xuất chip xử lý. Chính quyền của Tổng thống Trump muốn chặn công ty Trung Quốc không thể nhận vi xử lý từ các xưởng đúc (fab) có sử dụng công nghệ Mỹ trên khắp thế giới theo thỏa thuận từ trước.
Huawei cũng như Apple, MediaTek, Qualcomm đều thiết kế vi xử lý của riêng mình nhưng không có cơ sở riêng để sản xuất chúng. Đây là lý do các công xưởng chip như TSMC của Đài Loan là nơi các model như Apple A13 Bionic, Snapdragon 865 hay Huawei Kirin 990 ra đời.
Lệnh cấm mới áp dụng cho Huawei và khoảng 114 công ty con của hãng này trên toàn cầu. Các đối tác bắt buộc phải có riêng chứng nhận của Mỹ mới có thể xuất khẩu sản phẩm cho công ty Trung Quốc.
Để tránh sự phụ thuộc vào TSMC, Huawei gần đây đã chuyển việc sản xuất một số dòng chip xử lý sang SMIC - xưởng đúc chip lớn nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, SMIC chỉ có thể sản xuất chip trên tiến trình 14 nm trong khi TSMC đang có công nghệ mới nhất là tiến trình chỉ 5 nm. Đây là sự khác biệt lớn bởi TSMC có thể chế tạo con chip với 171,3 triệu bóng bán dẫn trên một mm vuông so với chỉ 43 triệu của SMIC.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ cho thời hạn 120 ngày kể từ ngày 15/5 trước khi áp đặt lệnh cấm mới. Trong khoảng thời gian 4 tháng tới, các công ty Mỹ cũng như các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất chất bán dẫn cho Huawei vẫn có thể tiếp tục các hợp đồng còn dang dở.
Huawei hiện là khách hàng lớn thứ hai của TSMC. Năm ngoái, hãng smartphone Trung Quốc đóng góp doanh thu 5,2 tỷ USD cho công ty này, tăng 80% so với năm 2018. Theo báo cáo của Wall Street Journal, TSMC sẽ sớm xây dựng một nhà máy tại Arizona (Mỹ) để sản xuất chip xử lý 5 nm mới vào 2023.