Trong phiên bản mới nhất của chiếc Mate 30, lượng linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc hiện chiếm 42% giá trị, trong khi linh kiện từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 1%. Kết quả này có được sau khi trang Nikkei phối hợp cùng công ty Fomalhaut Techno Solutions "mổ bụng" chiếc Mate 30 để đánh giá sự thay đổi của Huawei sau một năm chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Kết quả cho thấy, Huawei đã thay đổi mạnh trong chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, tăng cường sử dụng các linh kiện trong nước. Trước đây, tỷ lệ giá trị linh kiện Trung Quốc và Mỹ trên Mate 30 lần lượt là 25% và 11%.
Bên cạnh đó, họ cũng so sánh tỷ lệ linh kiện của Mate 30 so với Mate 20 - vốn là mẫu máy ra đời trước thời điểm chịu lệnh trừng phạt. Kết quả cho thấy, lượng linh kiện nguồn gốc Trung Quốc trên Mate 30 cũng đã tăng 16,5% so với người tiền nhiệm.
Theo Nikkei, kết quả này cho thấy Huawei đã buộc phải thay đổi một cách mạnh mẽ về các đối tác cung cấp linh kiện, đồng thời họ cũng đã gia tăng đáng kể khả năng làm chủ công nghệ bán dẫn để giảm sự phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Chẳng hạn trước đây, Huawei sử dụng một lượng lớn chip được sản xuất bởi công ty Skyworks Solutions của Mỹ, nhưng nay phần đó đã được chuyển cho HiSilicon, vốn là công ty con của Huawei.
"Huawei đã vượt qua các trở ngại ban đầu để biến việc thiết kế chip thu phát sóng trên điện thoại 5G trở nên khả thi. Điều này là tín hiệu tốt cho tham vọng của Trung Quốc trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Đồng thời, điều này cũng tạo lợi thế cho Huawei trước các đối thủ trong nước", trang này viết.
Lấy ví dụ với Xiaomi, Nikkei ước tính lượng linh kiện Mỹ hiện chiếm khoảng 38% giá trị trên các mẫu smartphone 5G của Xiaomi, cao hơn 12% so với các mẫu máy 4G. Kết quả này cũng tương đồng khi mổ xẻ smartphone của Oppo và Vivo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá Huawei chỉ có thể giảm bớt sự phụ thuộc về mặt phần cứng. Trong khi với phần mềm, hãng sẽ còn "phải đi một đoạn đường dài" trước khi có thể giảm sự phụ thuộc vào các đối tác Mỹ. Hiện nay, smartphone mới của Huawei vẫn phải sử dụng Android mã nguồn mở, và sự thiếu hụt các dịch vụ Google như Gmail, Google Search và YouTube cũng đã đủ khiến Huawei khó có thể mở rộng thị phần.
Quý Văn