"Chúng tôi đã ký hơn 91 hợp đồng thương mại 5G trên khắp thế giới, bao gồm 47 hợp đồng ở châu Âu, và hơn 40.000 trạm gốc 5G đã được chuyển đến nhiều quốc gia," Yang Chaobin, Chủ tịch mảng 5G của Huawei, thông báo trong một cuộc họp tại London đầu năm 2020.
"Một năm trước đó, tôi từng nói là Huawei dẫn trước các đối thủ 18 tháng về công nghệ 5G. Bây giờ chúng tôi vẫn duy trì khoảng cách đó", ông nói. "Phải mất 10 năm để công nghệ 3G thu hút được 500 triệu người dùng, 5 năm cho công nghệ 4G. Chúng tôi hy vọng công nghệ 5G sẽ đạt 500 triệu người dùng chỉ sau 3 năm", vị chủ tịch nhận định.
Không chỉ dẫn trước về kinh nghiệm, các thiết bị mạng lõi và không dây 5G của Huawei còn đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật. Tháng 9 vừa qua, các thiết bị của hãng đã vượt qua bài đánh giá của chương trình Đảm bảo an ninh thiết bị mạng của Hiệp hội Thông tin Di động Toàn cầu GSMA NESAS. Trước đó, Huawei cũng hoàn thành bài kiểm tra an ninh mạng 5G của Nhóm thúc đẩy IMT-2020 (5G) của Trung Quốc. Trong đó, các thông số kỹ thuật được kiểm tra dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế 3GPP về đảm bảo an ninh mạng 5G.
Một yếu tố không kém phần quan trọng trong cuộc chiến 5G là giá cả. Giá thành thiết bị mạng 5G của Huawei rẻ hơn khoảng 30% so với Ericsson và Nokia. Hãng cũng đang làm việc với đối tác Maxis của Malaysia và Globe Telecom của Philippines để ra mắt 5G cũng như các dịch vụ 5G thí điểm tại hai quốc gia này. Ngoài ra, Pro-China Campuchia cũng đang sử dụng thiết bị mạng 5G của Huawei.
"5G mang lại tốc độ cao, băng thông cao và độ trễ thấp. 5G đại diện cho tốc độ trong xã hội thông tin mới. Bất cứ ai đạt được tốc độ sẽ tiến về phía trước nhanh chóng. Ngược lại, các quốc gia từ bỏ việc theo đuổi tốc độ sẽ ngày càng trở nên trì trệ", ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập Huawei - khẳng định.
Sự khác biệt của 5G với các thế hệ "G" trước
2G là thế hệ mạng di động thứ 2 với tên gọi đầy đủ là hệ thống thông tin di động toàn cầu (Global System for Mobile Communication: GSM). Mặc dù có khả năng phủ sóng rộng khắp, cho phép người dùng gửi tin nhắn, gọi điện thoại ở nhiều vùng trên thế giới, 2G lại bộc lộ hạn chế ở những nơi dân cư thưa thớt, sóng kỹ thuật số yếu và giới hạn khả năng bắt sóng.
T3G - thế hệ thứ ba của mạng di động - đã có bước tiến lớn so với thế hệ đi trước. Nó cho phép người dùng truy cập Internet, sử dụng các dịch vụ định vị toàn cầu GPS, truyền/nhận dữ liệu, âm thanh, hình ảnh chất lượng cao cho cả thuê bao cố định và thuê bao đang di chuyển ở các tốc độ khác nhau.
Thế hệ mạng di động thứ tư (4G) cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng là 1 - 1,5 Gb/giây, trong khi ở 3G là 5,8 Mb/giây và 2G là 50 Kb/giây. Nhờ tốc độ truyền dữ liệu cao, mạng 4G hỗ trợ các phần mềm chạy mượt mà hơn, cho phép người dùng xem video chất lượng cao Full HD và 4K.
Sự xuất hiện của mạng 5G sẽ mang lại rất nhiều tiện ích và ứng dụng trong tương lai, do sở hữu nhiều ưu điểm hơn 4G. Theo lý thuyết, tốc độ 5G ước tính đạt 10 Gb/giây, gấp 10 lần tốc độ truyền tải thông tin của mạng 4G. Nếu các thế hệ trước đơn thuần là liên lạc giữa con người, với 5G, ngay cả máy móc cũng có thể liên lạc với nhau, đồng nghĩa với hàng tỷ thiết bị có thể kết nối và trao đổi thông tin cùng lúc, góp phần kiến tạo một thế giới "mở", hướng tới xã hội công nghệ thông tin và vạn vật kết nối (IoT).
5G giải quyết được mọi vấn đề về cơ sở hạ tầng số quốc gia đang xuống cấp và khả năng truy cập băng thông rộng ở nông thôn. 5G cũng được coi là xương sống của mạng viễn thông, đảm bảo thế thống trị trong thị trường công nghệ tương lai. Sở hữu tốc độ xử lý nhanh và mạnh hơn nhiều so với 4G, mạng 5G sẽ cho phép người dùng tải toàn bộ bộ phim về điện thoại chỉ trong vài giây. Theo trang Vox (Mỹ), 5G là một phần trong cuộc chạy đua giành vị trí thống trị Internet giữa các quốc gia cũng như các nhà cung cấp hạ tầng viễn thông.
Hiện Huawei là hãng công nghệ tiên phong về lĩnh vực 5G trên thế giới.
Đức Thanh tổng hợp