Các sách giáo khoa kinh tế hay dùng chung một số ví dụ thuộc loại kinh điển để làm sáng tỏ các khái niệm đôi khi hơi trừu tượng. Một trong số đó là "tiền công thợ cắt tóc".
Câu chuyện đầy đủ là thế này: Kinh tế học thời còn sơ khai cho rằng giá cả được quyết định bởi chi phí. Nhưng tại thành phố New York (Mỹ), các nhà kinh tế đã quan sát được một hiện tượng khó giải thích được bằng các học thuyết kinh tế phổ biến thời đó, đó là tiền công cắt tóc tăng đều theo thời gian, bất chấp việc những người thợ cắt tóc vẫn chỉ dùng kéo là chủ yếu.
Không chỉ cắt tạo mẫu, cắt tỉa thường giá cũng tăng đều. Lái xe hay thợ máy sử dụng các công cụ ngày một phức tạp nên tiền công tăng thì không nói làm gì. Sau một thời gian tìm hiểu, các nhà kinh tế đi đến kết luận - tiền công thợ cắt tóc tăng vì nếu không tăng, họ sẽ đi lái xe và đi sửa máy vì những công việc đó cho họ thu nhập tốt hơn.
Ví dụ quá kinh điển để có thể bỏ qua, vì cùng một lúc khai sáng các khái niệm về lợi nhuận kế toán (accounting profit), lợi nhuận kinh tế (economic profit) và chi phí cơ hội (opportunity cost).
Ví dụ này cũng cho thấy sự chuyển mình từ học thuyết kinh tế sơ khai sang học thuyết kinh tế hiện đại khi giá không còn phản ánh chi phí sản xuất mà phản ánh giá trị thị trường (tức là khách hàng) sẵn sàng trả cho dịch vụ đó. Người dân New York sẵn sàng trả công cao hơn cho những người thợ cắt tóc, vì với mức sống tăng lên họ có thể trả nhiều hơn và điều đó khiến những người thợ cắt tóc ở lại với nghề.
>> 'Chặt chém' thay săm xe máy 150 nghìn đồng ngày Tết
Chi phí cung ứng dịch vụ của thợ cắt tóc có tăng không họ không quan tâm, họ chỉ quan tâm là họ không phải tự cầm kéo cắt tóc ở nhà. Ví dụ này cũng khẳng định cốt lõi của kinh tế học là sự lựa chọn, nhưng nhấn mạnh thêm là không chỉ khách hàng có quyền lựa chọn mua hay không mua mà nhà cung cấp cũng có quyền lựa chọn bán hay không bán. Các cụ ta nói ngắn gọn thôi "thuận mua vừa bán".
Trở lại với 150 ngàn tiền vá xe ngày Tết, trên quan điểm của kinh tế học hiện đại, tôi không thấy có gì là vô lương tâm hay thiếu tình người hoặc thiếu đạo đức nghề nghiệp ở đây cả. Họ chỉ vô lương tâm, thiếu tình người với thiếu đạo đức nghề nghiệp nếu không sửa được mà vẫn thu tiền hoặc làm ẩu khiến bạn đi bị tai nạn thôi.
Còn ở đây họ nói giá rồi, bạn không ưng thì bạn có thể từ chối. Thị trường là điểm giao của bên mua và bên bán, bên nào kiểm soát tốt hơn thì có ưu thế trong thương lượng giá. Bạn cảm thấy giá 150 ngàn là đắt bạn dắt thêm một đoạn tìm hàng khác để sửa.
Cô nào mặc áo dài, đi cao gót còn dắt Vespa vào tiệm đó, có khi ông chủ hét 300 ngàn vẫn cảm thấy tràn trề tình người. Cô gái ấy - là khách hàng cũng là thị trường - sẵn sàng trả giá cao hơn cho một dịch vụ chẳng khác gì dịch vụ bạn có thể đã nhận được vì giá trị cô ấy nhận được từ dịch vụ đó cao hơn giá trị bạn nhận được từ dịch vụ đó.
Khách hàng ai cũng vậy thôi, chỉ cần thấy xứng đáng với số tiền phải bỏ ra, chẳng ai đi hoạnh họe bắt người bán phải giải trình chi phí làm gì. Họ là người kinh doanh, họ có nghĩa vụ đảm bảo chất lượng hàng hóa và dịch vụ, họ có trách nhiệm với việc kinh doanh, với nhân viên, với nhà cung cấp. Họ không có trách nhiệm đảm bảo giá thấp, họ càng chẳng có gì phải "ngại" khi tăng giá.
>> Nỗi oan 'sính ngoại' của người kinh doanh du lịch Việt
Ngoài Hà Nội chi tiêu chặt chẽ hơn, mà ngày Tết hàng nào mở tăng mỗi bát phở 10 ngàn, khi thanh toán còn cảm ơn đi cảm ơn lại, chúc chủ hàng năm mới đắt hàng, chúc con cái mạnh khỏe học giỏi, còn trả tiền chẵn luôn không phải trả lại mà không thấy ai than gì về "lương tâm" cả.
Không cần đến Tết, hè nắng gắt hay đông lạnh giá, chuyện thêm cho các bác sửa xe 5 ngàn 10 ngàn không phải chuyện lạ.. Tôi cũng có hai năm ở Sài Gòn, tôi nghĩ người Sài Gòn rộng rãi hơn nhiều.
Còn về "lòng tham", tôi nghĩ đó chính là nguyên nhân khiến người ta chường mặt ra đường bán hàng vào ngày nghỉ, thay vì rung đùi uống ấm trà ở nhà.
Đạo đức có thể được đánh giá qua những hành động nhỏ nhất, nhưng không phải qua 150 ngàn mà người ta thậm chí còn chưa lấy được từ túi bạn. Pháp luật có tiêu chuẩn nhất định về đạo đức kinh doanh, chủ yếu là để ngăn ngừa và xử phạt các hành vi mang tính chất lừa đảo. Vi phạm hợp đồng đã có luật xử lý riêng, tùy mức độ mà nó là hình sự hay dân sự.
Ngoài những quy định trong luật còn có quy tắc ứng xử của ngành, thành biên bản hay giao ước ngầm đều tính. Nếu bạn làm trong ngành dịch vụ thuần, tức là hoạt động kinh doanh hoàn toàn không có sản xuất, bạn chắc chắn nghe đến một quy tắc - không phá giá. Nếu nhìn theo góc độ này, vị trí đúng sai của hai ông sửa xe có khả năng bị đảo ngược.
>> Vì sao thừa thịt heo nhưng giá bán vẫn đắt?
Quyền tự do kinh doanh, quyền được ra giá cho thứ mình cung cấp được pháp luật bảo hộ, luật Việt Nam hay luật Mỹ cũng giống nhau. Quyền được ra giá cũng là quy tắc trụ cột của nền kinh tế. Hãy thử nghĩ, nếu chỉ vì đưa ra giá cao hơn đối thủ mà phải chịu dư luận xã hội, thậm chí bị tước giấy phép kinh doanh, ai còn dám làm ăn nữa?
Bàn tay vô hình của thị trường điều chỉnh giá bằng việc khách hàng tìm đến những nhà cung cấp có giá hợp lý, khiến các nhà cung cấp bán giá cao phải tự điều chỉnh để tiếp tục kinh doanh. Không ai mắng người ta thậm tệ chỉ vì bán giá cao cả.
Đặt vào bối cảnh kinh doanh thì: Một công ty tìm nguồn hàng vào mùa cao điểm, sau khi hỏi giá công ty A thấy cao, quyết định tốn thêm mấy ngày tìm được công ty B, không biết chất lượng nguồn hàng có như nhau không nhưng giá thấp hơn, sau đó đánh giá công ty A ghim hàng chặt chém. Liệu có vội vàng?
Tóm tắt lại, sau khi đã tham khảo lại các ý thuyết đã được dạy trong trường đại học cũng như quy tắc ứng xử đã được cộng đồng truyền thụ lại, tôi không thấy ông sửa xe sai.
DK
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.