Vì mỗi lần ra vào tòa nhà, tôi đều thấy từng chồng hộp xốp bọc túi nylon, đựng thức ăn đã chế biến xếp đầy trên chiếc bàn cạnh phòng bảo vệ.
Đây là hiện tượng rất mới ở chung cư vài tuần nay. Mọi người hạn chế ra ngoài mua bán, thế là tất cả đều online.
Đầu ngày, đủ loại thức ăn được giao đến. Từ các loại xôi, phở, bún, bánh. Hoa tươi, rau cỏ, thịt, quần áo, sách, rồi bữa trưa, bữa chiều và cả bữa tối ăn thêm. Tôi cảm tưởng các cửa hàng lớn nhỏ trong Hà Nội đều hối hả đáp ứng mọi nhu cầu đặt hàng online của bà con. Người giao hàng đến chân thang máy, điện thoại í ới gọi người mua xuống nhận.
Thức ăn sẵn cũng như các loại hàng đặt mua online đều được bọc bằng nylon, hộp xốp hoặc chất nhựa. Tất cả sau đó đều được vứt vào các thùng rác cạnh hành lang thang máy từng tầng.
Mỗi tầng đều có những thùng rác có bánh xe. Trước dịch, hầu như tôi không bao giờ thấy rác tràn ra miệng thùng. Nhưng gần đây, ngày nào tôi cũng thấy thùng rác đầy ăm ắp gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Chung cư tôi ở 27 tầng, mỗi tầng 12 căn hộ. Mỗi ngày, nếu mỗi tầng có nửa số hộ gọi ít nhất một bữa ăn bên ngoài, sẽ có 15-20 hộp đựng thức ăn được bỏ ra thùng rác. Số hộp thải ra một ngày ít cũng 400-500. Một tuần, rác thải hộp xốp có thể lên tới 1.500 hoặc hơn. Thật khủng khiếp.
Các thùng rác hàng ngày được chuyển xuống tầng dưới và tiếp tục được xe tải chở đến khu tập trung rác của thành phố. Chắc lại là khu Sóc Sơn, nơi lâu nay dân chúng đã quá khổ về rác.
Tôi chỉ nhìn ở một chung cư, còn Hà Nội mở rộng hiện nay với hơn 6 triệu người và biết bao đô thị khác, tình hình có lẽ không khác nhau nhiều.
Mọi chuyện vẫn cứ tự nhiên như không. Đồ ăn giao online xem chừng quá tiện lợi và thật thích hợp cho chủ trương chống dịch. Đáng tiếc là chuyện gì cũng có hai mặt.
Mặt trái của hộp xốp đựng thức ăn là câu hỏi về sức khỏe và chất thải có hại cho môi trường.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo. Hộp xốp tuy nhẹ, tiện lợi, giá rất rẻ nhưng có thể gây hại sức khỏe người dùng.
Hội Các nhà nghiên cứu quốc gia Mỹ từng công bố kết luận khảo cứu của 10 chuyên gia về chất độc, hóa học và y tế khẳng định, chất Styrene tồn tại phổ biến trong cốc xốp, hộp đựng cơm bằng xốp và các đồ chứa thực phẩm dùng một lần có thể đủ căn cứ để coi là một chất gây ung thư ở người.
Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng nhiều lần cảnh báo thói quen dùng hộp xốp đựng thực phẩm vô tộ vạ của người Việt. Nguyên liệu sản xuất hộp xốp đang lưu hành trên thị trường chủ yếu từ Polystyrene với thành phần không khí chiếm 95% và PS chỉ chiếm 5% nên rất nhẹ. Loại nhựa nhiệt dẻo chứa Polystyrene phân tử thấp được xem là vật liệu an toàn. Tuy nhiên, chúng vẫn có nguy cơ bị ô nhiễm Chì, Cadmium và hóa chất độc hại từ nguyên liệu sản xuất không tinh khiết.
Do là Polystiren phân tử thấp nên nó chỉ được dùng để đựng thức ăn nguội, thức ăn nóng là điều tối kỵ. Vì nhiệt từ thức ăn nóng sẽ khiến loại nhựa này giải phóng ra chất độc Monostyren, ngấm vào thức ăn rất hại cho gan.
Nhựa làm hộp xốp trong quá trình chế biến thường tồn dư lượng nhỏ hoạt chất Siren. Nếu gặp đồ ăn nóng trên 70 độ C, nhiều dầu mỡ hoặc có tính axit như giấm, nước chanh, chất Siren sẽ bám vào thức ăn, có thể gây ung thư nếu đi vào cơ thể. Trên thế giới, nhiều nước đã cấm sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm.
Với môi trường, loại rác này rất khó phân hủy và hầu như không thể phân hủy qua hàng chục, hàng trăm năm, có tài liệu còn nói hàng nghìn năm. Chúng ta chỉ đang chôn nó xuống đất cho khuất mắt. Đống rác cứ phình lên mãi, lấy đâu ra đất để mở rộng thêm mãi?
Chuyện rác nhựa trong đại dịch đâu chỉ có ở nước ta. Cả thế giới đều đang đối mặt với đại dịch rác thải song song với đại dịch Covid-19 do nhu cầu mua bán online tăng mạnh. Nhật Bản đã lập tức đẩy mạnh sản xuất hàng loạt dụng cụ đựng thức ăn cấu tạo từ nguyên liệu giấy, bột thực phẩm. Chúng vẫn vững chãi, sạch sẽ nhưng lại rất dễ dàng bị phân hủy và rất an toàn cho môi sinh.
Chúng ta thì sao? Tôi từng thăm một tập đoàn trong nước sản xuất bao bì màng mỏng và chất dẻo cứng tự phân hủy hàng đầu khu vực. Họ đã xuất khẩu quy mô lớn các loại bao bì tự phân hủy, an toàn sinh học sang nhiều nước.
Họ không quan tâm đến thị trường trong nước? Hoàn toàn không phải. Họ đều là những người yêu nước và rất xót xa trước tình trạng núi chất thải nhựa đang bị chôn lấp hay bị thả xuống ao hồ và dọc ven biển. Nhưng họ không thể cạnh tranh nổi về giá với các loại hộp xốp, túi nylon và các loại chất dẻo khó phân hủy hay không bị phân hủy. Các doanh nghiệp, đơn vị bán hàng, người dân không chấp nhận mua bao bì có giá cao hơn một chút như nhiều nước khác.
Tôi rất lo. Con cháu chúng ta ăn quà ngoài đường rất nhiều. Hàng ăn nào cũng dùng hộp xốp để đựng thức ăn cho người mua. Họ còn đựng nước dùng nóng hổi vào các túi nylon. Việc này vô cùng nguy hiểm.
Nếu bất đắc dĩ phải dùng hộp xốp thì ta chỉ đựng đồ nguội và mang tính tạm thời, không được để thức ăn trong hộp lâu, không dùng hộp này để hâm thức ăn trong lò vi sóng.
Ngoài Luật Bảo vệ môi trường, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt. Chúng ta còn có chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn tầm nhìn đến 2050; chỉ thị 33/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Ngày 25/4/2019, Thủ tướng còn có công văn số 161 gửi đến tất cả cơ quan, ban ngành, tổ chức kêu gọi mọi người nói "không" với nhựa truyền thống.
Các quy định khác không chấp hành thì bị phạt, nhẽ nào chuyện này lại không?
Tôi thấy nhiều công ty nhỏ đã bán những sản phẩm thân thiện môi trường như hộp đựng thức ăn làm bằng bã mía, bột ngô, chỉ có điều sản phẩm chưa rộng khắp. Nếu người dân không muốn mất thêm tiền mua hộp thân thiện môi trường, họ có thể mang hộp thủy tinh, inox từ nhà hoặc túi giấy, mây, tre.
Con cháu chúng ta sẽ phải chịu nhiều tai họa từ thói quen có hại hôm nay. Tại sao ta không nhân dịp dịch bệnh này, thử điều chỉnh lại thói quen, lối sống? Có cần mua quá nhiều quần áo, đồ đạc không, có cần ăn qúa no, quá nhiều không? Bởi các khâu sản xuất đều tạo phát thải hại cho sức khỏe địa cầu. Và lối sống tối giản cũng đã khá phổ biến.
Thay đổi thói quen của quốc gia và từng người không dễ. Nhưng không phải bây giờ thì bao giờ?
Nguyễn Lân Dũng