Tôi và má tôi đều vui. Số tiền đủ để tôi mua sữa cho cậu con trai hơn hai tuổi ở quê với má. Kiếm tiền đã khó, tiết kiệm tiền cũng không hề dễ, mặc dù đó không phải mục tiêu ban đầu. Mục tiêu ban đầu của tôi là kiêng rác nhựa.
"Em đổ vào đây, anh đừng chê ít", cô bé nhân viên quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM ném cho tôi ánh mắt "kỳ kỳ". Chiếc bình giữ nhiệt tôi mang theo đựng đồ uống hơi to so với loại ly nhựa bán cà phê theo định lượng của quán. Với tay lấy chiếc ly nhựa trên bàn, xúc đá đổ đầy ly, chế cà phê pha sẵn, chụp cái nắp nhựa trong suốt, cắm cái ống hút nhựa màu đen, lồng vào thêm bao nylon đưa cho khách, cô nhận tiền, gọn lẹ. Bởi vậy, khi tôi chìa cái bình ra, cô hơi khựng lại, tỏ ra phiền phức và bán ly nước một cách miễn cưỡng. Tôi cười trừ vì biết mình là một trong số ít khách hàng khiến cô phải phục vụ trái quy trình.
Đã 10 tháng nay tôi đặt mục tiêu không xả rác nhựa. Tôi sắm một cái hộp đựng cơm và thức ăn bằng thủy tinh kèm một bình inox có thể giữ nhiệt. Tôi không mua thức ăn, đồ uống đựng trong hộp xốp, hộp nhựa, ly nhựa, túi nylon và ống hút nhựa dùng một lần nữa. Tập nấu ở nhà, tôi mang hộp cơm thủy tinh đến cơ quan thay vì "cơm hàng cháo chợ". Nếu không quá gấp cho buổi họp giao ban sớm, tôi tự pha cà phê tại nhà rồi mới đi làm. Tất cả được cho vào một túi vải, mỗi tuần giặt một lần để dùng lại. Tôi đi chợ trên đường đi làm về. Một bó rau muống, ít cải hoặc trái bí xanh, đậu hũ, tôi yêu cầu người bán bỏ chung vào chiếc túi vải mang theo.
Trong một ngày loanh quanh ở nhà vì Covid-19 hơn 10 tháng trước, tôi thử nghĩ về một ngày mình xả rác. Mỗi ngày, tôi cũng như nhiều thị dân trong thành phố, trung bình dùng khoảng hai ly nhựa đựng cà phê và trà đá, hai ống hút, hai hộp đựng thức ăn sáng và trưa, cứ cho là chiều tôi ăn ở nhà. Tôi cần thêm 3 đến 5 cái túi nylon khác cho việc đựng đồ dùng, thức ăn, đi chợ. Một tháng, tôi sẽ thải ra khoảng 50-60 ly cốc nhựa, 50-60 ống hút, 50-60 hộp nhựa, 90-150 túi nylon.
Mười tháng nay, tôi vui vì ít nhất đã không thải ra khoảng 600 hộp nhựa đựng đồ ăn dùng một lần, vài trăm ống hút, ly cốc nhựa, hơn 1.000 túi nylon... vấn đề quan trọng không kém là tôi tiết kiệm được tiền triệu. Danh, đồng nghiệp ở cơ quan tôi cũng vậy. Mỗi ngày đi làm với một túi cói, bên trong có hộp đựng đồ ăn và một chai nước. Hôm không nấu cơm ở nhà, cô vẫn đem hộp inox tới tiệm mua cơm. Covid ở khía cạnh tích cực đã làm chúng tôi thay đổi lối sống, giảm tiêu thụ, tiêu dùng có ý thức với Bồ tát Trái đất hơn.
Tôi vẫn thấy nhiều người xách túi to túi nhỏ bằng nylon ở chợ về, sử dụng ống hút nhựa, ly nhựa ở các cửa hàng đồ uống bởi nó quá tiện dụng. Tiện dụng là thành quả của sự phát triển kinh tế, mọi người đều thấy mình có quyền tận hưởng. Đánh động sự tiện dụng và dễ chịu của số đông đôi khi bị coi là dở hơi. Tôi biết mình không thể mở một bài thuyết trình với cô bé bán cà phê rằng vì sao tôi đặt ra mục tiêu kiêng đồ nhựa, rằng Việt Nam nằm trong năm quốc gia xả thải nhựa lớn nhất thế giới. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi hộ tại Việt Nam thải ra hơn một túi nylon mỗi ngày. Dân số tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM trung bình một ngày thải khoảng 80 tấn rác nhựa và túi nylon. Túi nylon có thể mất 100 tới 1.000 năm để phân hủy. Các nhà môi trường gọi nó là "ô nhiễm trắng".
Tôi nhớ tới ông Lê Văn Hộ, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn khi trần tình về việc người dân cực chẳng đã phải chặn xe vào bãi rác, dẫn đến rác nhiều lần tràn ngập Hà Nội. "Chúng tôi già chết cũng được rồi, nhưng còn con cháu sau này", ông ngậm ngùi nói về tương lai những người sống gần bãi rác lớn nhất Hà Nội.
Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam là 54 kg mỗi năm (2018). Tình trạng ô nhiễm đang tăng nhanh, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, thuộc nhóm 20 quốc gia có rác thải lớn nhất hành tinh. Ngoài nguyên nhân quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để, còn nguyên nhân quan trọng bởi thói quen dùng đồ nhựa một lần không thương tiếc của đa số dân chúng.
Những nền kinh tế tiến bộ gần đây đã tuyên bố đặt lộ trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuyến tính là mô thức sản xuất, tiêu thụ mà sản phẩm và phần còn lại của sản phẩm thường kết thúc vòng đời trong bãi rác, gây gánh nặng khổng lồ cho môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn tiến tới không xả rác, tái chế nhựa và khuyến khích thay đổi hành vi mọi công dân.
Bước đầu tiên để giải quyết rác nhựa ở Việt Nam là thay đổi hành vi con người, thứ hai là cải thiện hệ thống thu gom và phân loại rác. Để xử lý rác thải hiệu quả đầu tiên là bước qua những trở ngại trong tư duy, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần và "xả rác có tâm". Vấn đề mấu chốt ở đây lại là các quy định pháp lý.
Lập trình thói quen tốt chỉ xảy ra khi chúng ta nhận ra thói quen cũ là xấu, đó cũng là việc mà theo tôi đầu tiên có thể khuyến khích trong trường học, cộng đồng dân cư. Học sinh vẫn dùng những bữa ăn vội và thức uống nhanh trong đồ nhựa. Người ở các công sở, các bà nội trợ, chính mỗi người một ít đã làm nên khối lượng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa của Việt Nam. "Đóng góp" này không đem lại khuôn mặt cười với bạn bè thế giới. Do vậy, ngăn rác thải nhựa đến lúc trở thành chính sách quốc gia để tạo nên thói quen tập thể chứ không chỉ là phong trào nhỏ lẻ.
Thành phố San Francisco, Mỹ cấm túi nylon từ năm 2007. Túi nylon bị cấm ở New Delhi do "ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bò". Jakarta và Thái Lan - hai nước xả rác nhựa ra biển nhiều tương tự Việt Nam - cấm túi nylon từ năm nay. Nhật Bản thu phí túi nylon để mọi người "suy nghĩ hai lần" về việc sử dụng sản phẩm nhựa. Hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành lệnh cấm hoặc thu phí đối với túi nylon.
Má tôi gần đây đã xách làn đi chợ thay vì đi tay không rồi mang hàng chục túi nylon về nhà. Bạn tôi gọi mấy quán cà phê dùng nhiều ly nhựa, ống hút nhựa của Sài Gòn là "tiệm nước quê mùa", sẽ chẳng bao giờ đến uống nữa. Nói "không" với những thương hiệu ngoan cố, theo tôi cũng là một cách tiêu thụ có trách nhiệm.
Lưu Đình Long