Ngày 1/7/1997, khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc sau hơn 150 năm cai quản, To Wo, thợ làm mì trên đường Queen, đang miệt mài nhào bột, kéo sợi mì như cách ông đã làm suốt nhiều thập kỷ trước đó, phục vụ một thành phố chật kín người di cư từ đại lục.
Để đáp ứng khẩu vị đa dạng của thực khách, ông làm món mì Thượng Hải và mì trứng Quảng Đông, vỏ hoành thánh trơn từ miền nam Trung Quốc và vỏ bánh bao dày được yêu thích ở Bắc Kinh.
Khi lễ hạ cờ Liên hiệp Anh diễn ra vào ngày 1/7/1997, trời mưa như trút, nước dâng nhanh dọc theo đường Queen và các nhánh của nó. Một số người coi trận mưa như "một nghi thức thanh tẩy để gột rửa Hong Kong khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây".
Nhưng những điều đó không có ý nghĩa gì lớn với To Wo, người điều hành tiệm mì cùng gia đình. Ông vẫn phải làm việc hàng ngày, cho bột vào những chiếc máy kêu leng keng, nhiều đến nỗi mọi thứ trong tiệm đều bị phủ một màu trắng xóa, kể cả ban thờ Táo quân.
"Tôi rất bận", ông nói. "Tôi không có thời gian để lo lắng".
25 năm sau khi Hong Kong trở về với Trung Quốc, điều dễ nhìn thấy nhất là sự thay đổi, được thể hiện rõ ràng qua cuộc sống trên đường Queen, con phố sầm uất bậc nhất đặc khu.
Xung quanh họ, thành phố đã biến đổi. Đà mở rộng kinh tế chóng mặt từ đại lục được cho là đang dần lấn át vai trò trung tâm giao thương quốc tế của Hong Kong. Các cuộc biểu tình vài năm trước từng khiến thành phố rơi vào bất ổn nghiêm trọng.
Năm 20 tuổi, To Wo rời khỏi miền nam Trung Quốc để đến định cư trên đường Queen, con đường đầu tiên do người Anh xây dựng và đặt theo tên của Nữ hoàng Victoria sau khi họ kiểm soát Hong Kong theo các điều ước ký với triều đình nhà Thanh sau Chiến tranh Nha phiến (1839 - 1842).
Khi các cơ sở như ngân hàng, trạm mậu dịch, trường học, đình chùa, nhà thờ mọc lên dọc con đường, những dòng người mới bắt đầu tìm đến, định hình lại bản sắc của nó.
Năm 1997, chính phủ Trung Quốc đã cam kết trao cho Hong Kong quyền tự chủ đáng kể trong vòng 50 năm, nhằm duy trì lợi thế của thành phố là một trung tâm tài chính toàn cầu, một trong những đô thị náo nhiệt nhất hành tinh.
Từ khi To Wo chuyển đến, đường Queen và những con hẻm nhỏ hẹp của nó đã tràn ngập các trung tâm tài chính, tiệm vàng, cửa hiệu xa xỉ từ châu Âu và những thương nhân buôn bán vi cá mập cùng các loại thảo mộc quý dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Trong vài năm đầu tiên sau khi chuyển giao, các nhà lập pháp Hong Kong say sưa với quyền lực mà họ không có trong hầu hết thời kỳ Anh cai quản. Tại Tòa án Tối cao, trên một nhánh của đường Queen mang tên Queensway, các thẩm phán đội tóc giả theo kiểu Anh. Chủ các cơ sở kinh doanh, chủ yếu là giới thượng lưu từ Thượng Hải, London và Mumbai..., cảm thấy an toàn trước chế độ pháp quyền ở đây.
Trong hơn một thập kỷ, Bắc Kinh vẫn tuân thủ mô hình quản lý "một quốc gia, hai chế độ". Thời hạn năm 2047, khi Trung Quốc sẽ nắm toàn quyền kiểm soát chính trị với Hong Kong, có vẻ rất xa vời với nhiều người ở thành phố.
Nhưng ba năm qua, Hong Kong đã chứng kiến nhiều biến động lớn. Năm 2019, đám đông biểu tình kéo xuống đường Queen và các đại lộ khác để phản đối dự luật dẫn độ, giống như cách họ từng làm trước đây để phản đối một số chính sách của chính quyền đặc khu.
Nhưng lần này, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các cuộc đụng độ nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Suốt nhiều tháng, cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để chống lại đám đông biểu tình. Năm 2020, Bắc Kinh ban hành đạo luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, hình sự hóa hành vi "làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ" nhắm vào chính quyền trung ương.
Sau một nửa chặng đường tiến tới mốc 2047, Hong Kong đang đối mặt nhiều thử thách. Cam kết về quyền tự chủ của thành phố đang dần phai nhạt, trong khi người nghèo Hong Kong ngày càng nghèo hơn và số người rời khỏi đặc khu đang tăng lên, theo bình luận viên Hannah Beech của NY Times.
Dọc theo đường Queen, đại lộ lâu đời nhất đặc khu, câu hỏi về bản sắc của Hong Kong sau 25 năm được nhìn nhận rất khác giữa một chính trị gia, một người biểu tình và một thợ làm mì.
"Mọi thứ ở Hong Kong đều thay đổi", To Wo nói. "Mỗi người chúng ta có một số phận khác nhau".
'Thành phố rất tự do'
Ngày 30/6/1997, khi quốc ca Anh được bật lên lần cuối ở Hong Kong, Eunice Yung, lúc bấy giờ vẫn còn là học sinh, đang hờn dỗi tại nhà mình trong một khu căn hộ nằm trên đường Queen. Điểm thi đáng thất vọng, điều có thể ảnh hưởng đến con đường vào đại học, choán hết tâm trí cô.
"Khi nhớ về quá trình chuyển giao ấy, với tôi, nó là một khoảng trống", Yung nói.
Giống như nhiều đứa trẻ cùng thời, Yung bắt đầu kiếm tiền khi mới 4 hoặc 5 tuổi, ngồi cùng bà cố của mình bán những món đồ chơi gắn nam châm. Để đến trường, Yung thường băng ngang qua khu chợ bán hải sản khô trên đường Queen và một ngôi đền nơi ngư dân hay đến thờ cúng, trước khi hoạt động bồi đắp lấn biển thay đổi tất cả.
Yung sau đó vào một trường đại học ở Vancouver, Canada để theo học ngành khoa học máy tính. Dân số Hong Kong thời kỳ đó tăng lên nhanh chóng với dòng người di cư từ đại lục.
Sau khi học xong, Yung trở về Hong Kong, lấy bằng luật và làm việc tại Tòa án Tối cao ở Queensway. Năm 2016, cô giành được một ghế trong Hội đồng Lập pháp với tư cách thành viên của một lực lượng chính trị thân Bắc Kinh.
Các chính trị gia thân Bắc Kinh ở Hong Kong đã cáo buộc những người tham gia biểu tình thông đồng với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Luật an ninh mới giúp Hong Kong siết chặt kiểm soát. Giới chức đặc khu đã bắt gần 50 chính trị gia và nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong theo các quy định mới trong luật an ninh.
Hiện tại, không có cuộc biểu tình lớn nào trên đường Queen hay bất kỳ nơi nào khác ở Hong Kong.
"Tôi nghĩ Hong Kong vẫn là một thành phố rất tự do", Yung, 45 tuổi, cho hay. "Nếu chúng ta cho phép các cuộc biểu tình diễn ra, đến một mức nào đó, chúng sẽ làm tổn hại đến tình cảm của người dân Hong Kong đối với đất nước".
Thành phố giờ đây đang bị phân chia thành hai nhóm, gồm những người ủng hộ phong trào biểu tình và những người phản đối, với nỗi lo sợ rằng danh tiếng một đô thị thân thiện với doanh nghiệp của Hong Kong đang bị phá hủy.
"Khi một số người dạy con cái không tôn trọng đất nước, nói với con cái rằng chúng ta sẽ lật đổ chính quyền, điều đó gây ra thiệt hại rất lớn", Yung nhấn mạnh. "Thay vì thể hiện ý chí một cách không giới hạn, chúng ta nên đề cao phẩm giá của đất nước mình".
Hoài nghi bản sắc
Ngày 1/7/2019, hàng trăm nghìn người dân Hong Kong từ mọi độ tuổi, tầng lớp, đã tổ chức một cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ dọc theo đường Queen.
Thoát khỏi đám đông, Brian Leung rẽ vào một con đường phụ dẫn đến tòa nhà Hội đồng Lập pháp mới, hòa vào cùng đám đông biểu tình khác. Họ vây quanh tòa nhà, đập vỡ kính, phá cửa và sơn những câu khẩu hiệu phản đối chính quyền.
Khi cảnh sát đến, Leung trèo lên bàn, giật tung mặt nạ và hô to những thông điệp dân chủ. Anh là người biểu tình duy nhất lộ mặt.
Leung, 28 tuổi, là minh chứng cho "giấc mơ Hong Kong". Có bố mẹ là những người di cư từ Trung Quốc đến và lớn lên trong khu nhà ở xã hội, Leung trở thành người đầu tiên trong gia đình theo học Đại học Hong Kong.
Đó là thời điểm mà nhiều thanh niên Hong Kong cảm thấy tự hào về bản sắc kép của mình. Họ là người Trung Quốc, nhưng đặc biệt ủng hộ luật theo kiểu Anh và yêu thích bánh trứng từ Bồ Đào Nha.
Khi Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Mùa hè năm 2008, Leung đã cổ vũ cho các đội thi đấu của cả Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
"Chúng tôi nghĩ rằng với việc trở về với Trung Quốc, Hong Kong có thể là một phần của quốc gia vĩ đại này", anh nói.
Những sinh viên trẻ như Leung đã tạo ra khác biệt trong xã hội Hong Kong. Năm 2014, họ đã thuyết phục thành công chính quyền đặc khu từ bỏ chương trình giảng dạy ủng hộ Bắc Kinh.
Nhưng các cuộc biểu tình năm 2019 dẫn đến rạn nứt sâu sắc hơn. Cảnh sát đã mạnh tay với những người biểu tình và bắt hàng nghìn thanh thiếu niên. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động tụ tập bị hạn chế hồi năm 2020, một bầu không khí im lặng bao trùm Hong Kong.
Ngày nay, chỉ 2% thanh niên Hong Kong coi mình là "người Trung Quốc", theo một cuộc thăm dò ý kiến ở địa phương. Hơn 3/4 số người tham gia khảo sát tự nhận mình là "người Hong Kong". Nhiều người tự hào về tiếng Quảng Đông, tiếng Quảng Châu Hong Kong hơn là tiếng Quan thoại của đại lục.
"Khi Trung Quốc đại lục không còn quan tâm đến các cải cách tự do nữa, chúng tôi bắt đầu đặt câu hỏi về bản sắc của mình. Chúng tôi bắt đầu nghĩ chúng tôi là người Hong Kong", Leung chia sẻ.
Đối với hàng triệu người rời Trung Quốc đại lục trong hơn một thế kỷ qua, Hong Kong được coi là con đường đưa họ đến nơi tốt đẹp hơn. Thành phố này đã trở thành nơi sinh sống của hàng triệu người dân Trung Quốc đại lục, nhiều người trong số họ sử dụng những cái tên kiểu Tây nhằm thuận lợi hơn khi tương tác, giao dịch với bộ máy hành chính của Anh như Kelvin và Fiona, Gladys và Alvin hay Brian và Eunice.
Nhưng nay, Hong Kong đang vắng dần cư dân. Trong một tháng đầu năm nay, lượng người rời khỏi đặc khu bằng số người đến thành phố trong cả năm 2019.
Vài giờ sau khi cảnh sát dùng hơi cay giải tán đám đông biểu tình ở Hội đồng Lập pháp vào tháng 7/2019, Leung lên máy bay rời Hong Kong.
"Tôi không thể ngăn nước mắt rơi", anh nói. "Tôi yêu Hong Kong rất nhiều. Đó là lý do tôi đấu tranh cho nó và đó là lý do tôi phải ra đi". Anh vẫn chưa trở về đặc khu kể từ đó.
Hong Kong là nhà
To Wo, thợ làm mì, đã bơi qua eo biển và băng rừng suốt nhiều ngày để đến Hong Kong năm 1978. "Chúng tôi bơi về phía có ánh sáng", ông kể.
Đường Queen làm cho To mê mẩn với những tấm biển đầy màu sắc bày bán đủ mọi món ngon, từ bào ngư và trà trắng kim bạc, rượu whisky Scotland đến bánh kem. Khi còn ở quê nhà, ông rất nghèo. To nhớ suốt thời thơ ấu, chỉ có đúng hai lần ông được ăn no.
Ngày nay, tại các vùng của Quảng Đông, tỉnh phía nam Trung Quốc, kinh tế bùng nổ đã nâng mức sống của người dân ở đây thậm chí còn cao hơn cả Hong Kong. Dọc theo đường Queen, giá thuê mặt bằng quá cao và tình trạng buôn bán trì trệ đã buộc các gia đình kinh doanh lâu năm phải rời bỏ các cửa hàng cũ của họ.
To Wo đã qua tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc. Con trai ông, To Tak-tai, 35 tuổi, ngày nào đó sẽ tiếp quản cửa hàng mì, cầu nguyện rằng bàn thờ Táo quân vẫn phủ đầy bột bánh như thời cha anh.
Không giống cha mẹ mình, anh sinh ra ở Hong Kong. To Tak-tai chưa bao giờ có ý định rời đi.
"Hong Kong là nhà tôi", anh nói.
Hiện tại, To Wo vẫn ngày ngày cặm cụi làm mì. Hong Kong có một hệ thống an sinh xã hội chắp vá. Ông không thể nhớ lần cuối cùng được hưởng kỳ nghỉ đúng nghĩa là bao giờ.
Ông sống cùng gia đình trong một căn hộ chật chội tại Hong Kong, nhưng đã xây được một căn nhà 6 tầng ở quê nhà Quảng Đông. Các anh chị em ông, những người chưa bao giờ rời Trung Quốc, đang sống thoải mái nhờ lương hưu nhà nước. Ông cũng mơ được nghỉ hưu ở quê như họ.
"Ở Hong Kong, nếu không làm việc, tôi sẽ chẳng có gì", To Wo nói, cơ thể và lông mi phủ đầy bột. "Nhưng đến Hong Kong là định mệnh của tôi".
Vũ Hoàng (Theo NY Times)