Cuộc đột kích vào văn phòng của ông Chung diễn ra trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ vào cuối tuần, nhằm lựa chọn các ứng viên sáng giá cho cuộc bầu cử vào Hội đồng lập pháp Hong Kong vào tháng 9 tới. Viện Khảo sát Dân ý Hong Kong (HKPORI) do ông Chung đứng đầu là đơn vị đồng tổ chức.
Chung cho hay cảnh sát đột kích văn phòng của ông hôm 10/7 và đã sao chép một số thông tin từ các máy tính tại đây. Cảnh sát Hong Kong xác nhận về việc lục soát văn phòng của Chung.
"Cảnh sát đã nhận được báo cáo từ người dân rằng hệ thống máy tính của một đơn vị tổ chức bầu cử nghi đã bị hack và một số thông tin cá nhân đã bị rò rỉ", tuyên bố của cảnh sát cho hay, thêm rằng "cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và không ai bị bắt".
Phát biểu tại họp báo sáng nay, ông Chung bày tỏ lo lắng rằng cảnh sát có thể sử dụng dữ liệu thu thập từ văn phòng của ông để sử dụng vào các cuộc điều tra khác, song không nói cụ thể về dữ liệu. Au Nok-hin, một cựu nhà lập pháp Hong Kong, cho hay ông tin rằng cuộc đột kích của cảnh sát vào văn phòng của Chung liên quan đến cuộc bầu cử sơ bộ và nhằm mục đích răn đe dư luận.
HKPORI từng tiến hành ba cuộc thăm dò dư luận cho Reuters về ý kiến người dân đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong, đôi khi biến thành bạo lực, bắt đầu vào năm 2019. Các cuộc khảo sát lần lượt được thực hiện vào tháng 12/2019, tháng 3 và tháng 6 năm nay. Thăm dò gần nhất cho thấy gần một nửa người dân Hong Kong tham gia khảo sát "cực lực phản đối" Bắc Kinh thực thi luật an ninh đối với đặc khu.
Luật an ninh Hong Kong được ban hành ngày 30/6, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khẳng định luật chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ và quyền lợi, tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, Mỹ và nước châu Âu chỉ trích luật này, gọi đây là sự hủy hoại tự chủ, tự do của Hong Kong và làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Bầu cử sơ bộ diễn ra trước bầu cử của Hội đồng lập pháp Hong Kong vào 6/9 tới, khi phe dân chủ hy vọng sẽ giành được hơn 35 ghế, chiếm đa số trong 70 ghế thuộc cơ quan lập pháp, nhằm trao cho họ quyền phủ quyết các đề xuất từ Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh nói rằng phe dân chủ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở đặc khu.
Mai Lâm (Theo Reuters)