"Hai quốc gia này đã chính trị hóa hợp tác tư pháp, do đó làm tổn hại đến cơ sở hợp tác tư pháp giữa Hong Kong với Đức và Pháp", chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong hôm nay ra tuyên bố cho biết.
Quyết định được đưa ra gần hai tuần sau khi Đức hôm 31/7 thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong khi Pháp hôm 3/8 quyết định hoãn phê chuẩn thỏa thuận dẫn độ ký với đặc khu hành chính này.
Trước đó, các nước trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn gồm Mỹ, Canada, Australia, Anh và New Zealand cũng đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong để phản đối luật an ninh mà Trung Quốc đại lục ban hành cho thành phố.
![Khu phức hợp Hội đồng Lập pháp và văn phòng chính quyền Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/12/hong-kong-8691-1597226544.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NRkqyBV2PdbdrqgBcnlbIw)
Khu phức hợp Hội đồng Lập pháp và văn phòng chính quyền Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.
Trung Quốc đã chấm dứt hiệp ước dẫn độ giữa Hong Kong với Canada, Australia, Anh và New Zealand để đáp trả, tuyên bố các nước này "chính trị hóa hợp tác tư pháp với Hong Kong" và "làm tổn hại nghiêm trọng nền móng hợp tác tư pháp".
Luật an ninh Hong Kong được ban hành cuối tháng 6, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khẳng định luật an ninh mới chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ, trong khi quyền lợi, tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều các nước châu Âu chỉ trích luật này, gọi đây là sự hủy hoại tự chủ, tự do của Hong Kong và làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Huyền Lê (Theo AFP)