Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh nổi tiếng với phong trào "hồng ca" và "đả hắc". Ảnh: Bloomberg |
Máy quay truyền hình ghi lại được hình ảnh khuôn mặt ông Bạc cứng đơ, không tự nhiên và trầm ngâm suốt buổi biểu diễn ngày 11/6/2011 tại Cung văn hóa Quốc gia ở trung tâm Bắc Kinh.
Buổi biều diễn là một sự kiện chính trị nhằm nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng ra toàn quốc cho Bạc Hy Lai. Bạc muốn chiến dịch hát những ca khúc cách mạng từ thời Mao Trạch Đông lan rộng ra thành một phong trào chính trị nên đã đến Bắc Kinh cùng với đội ngũ diễn viên, ca sĩ hàng đầu Trùng Khánh.
Trong danh sách khách mời có các thành viên thường trực của Bộ Chính trị, tuy nhiên, không ai trong số họ có mặt.
Đầu năm 2011, ban thường vụ Bộ chính trị còn ủng hộ các công việc của Bạc ở thành phố. Nhiều thành viên của cơ quan hoạch định chính sách tối cao đã đến thăm Trùng Khánh và biểu dương những thành tích của Bạc Hy Lai khôi phục nền văn hóa từ thời Mao Trạch Đông.
Lần này, sự vắng mặt của các quan chức cấp cao cho thấy dấu hiệu họ bắt đầu tách mình khỏi ông Bạc, các chuyên gia phân tích cho hay.
Các nỗ lực của Bạc nhằm khôi phục một số yếu tố trong triết lý chính trị của Mao Trạch Đông ít nhiều đã làm tăng sự rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo về chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Một số thành viên ban lãnh đạo, chủ yếu là cánh tả, kêu gọi điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn với các nguyên lý chính trị và giá trị dưới thời Mao Trạch Đông, thời kỳ khoảng cách giàu nghèo không rõ rệt. Những người ủng hộ Bạc Hy Lai hy vọng ông sẽ vào ban thường vụ Bộ chính trị và trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà lãnh đạo lại ủng hộ cải cách. Họ đã phải lên tiếng cảnh báo chiến dịch "nhớ về Mao Trạch Đông", chiến dịch gây dựng danh tiếng cho sự nghiệp chính trị của ông Bạc.
Tháng 4/2011, vài tuần trước buổi biểu diễn ở Bắc Kinh, trong cuộc gặp với Ngô Khang Dân, cựu đại biểu quốc hội đại diện của đặc khu kinh tế Hong Kong, Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ những lo lắng của mình đối với các ý tưởng và quan điểm chính trị gợi nhớ về thời kỳ Mao Trạch Đông.
Ông Ôn nói Trung Quốc đang xuất hiện "tàn dư của thời kỳ Cách mạng Văn hóa". "Họ không cho phép nói thật và thích nói dối", truyền thông Hong Kong dẫn lời ông Ôn Gia Bảo nói. Đây là một lời nhắn gửi gián tiếp đến Bạc Hy Lai.
Nhiều người trong giới chính trị ở Bắc Kinh nhận ra lời ám chỉ chiến dịch "đả hắc" của Bạc Hy Lai trong lời nói của thủ tướng. Tuy nhiên, Bạc không chịu lùi bước. Ông tổ chức một loạt buổi biểu diễn "nhạc đỏ" ở Trùng Khánh vào cuối tháng 6 với hơn 300.000 người tham gia trong 4 ngày.
Trong bài phát biểu vào tháng 7, Bạc ca ngợi sự lãnh đạo của đảng sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho đất nước, khi đó tất cả mọi người đều giàu có và sung túc. Bạc cho rằng dung túng cho sự bất bình đẳng sẽ gây bất mãn trong xã hội và phản ứng lại các lãnh đạo một cách mù quáng.
Bạc Hy Lai cũng thực hiện một số bước đi để thể hiện quan điểm của mình. Tháng 12, Bạc đến thăm một nhà nghiên cứu chính trị ở Bắc Kinh, người được cho là chuyên gia về dân chủ để tìm lời khuyên cho hệ thống luật pháp và dân chủ ở Trùng Khánh.
Học giả trên nói ông cảm thấy Bạc Hy Lai hiểu được vị thế chính trị của mình đang gặp nguy hiểm.
Khoảng thời gian đó, doanh nhân người Anh Neil Heywood, người quen của gia đình Bạc Hy Lai, chết bất thường trong một khách sạn ở Trùng Khánh.
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)
Đây là bài thứ 17 trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
'Chiếc ghế hổ' ở Trùng Khánh
Nạn nhân 'đả hắc' kể tội Bạc Hy Lai
Kẻ yêu người ghét Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh
Bạc Hy Lai trên ghế bộ trưởng
Bạc Hy Lai cất cánh, nhà báo ở tù