Ngày 15/11/2015, Sarah Milburn (27 tuổi, bang Texas, Mỹ) gọi xe bằng dịch vụ Uber và được chở bằng chiếc Honda Odyssey 2011. Tài xế vượt đèn đỏ và bị một chiếc bán tải đâm vào khiến xe lộn nhào. Tai nạn làm Sarah Milburn bị chấn thương xương sống, liệt tứ chi.
Cuối 2016, Sarah Milburn đệ đơn kiện công ty Honda Mỹ, một chi nhánh của công ty Honda Motor lên tòa sơ thẩm hạt Dallas, bang Texas. Theo đó, tai nạn xảy ra khi cô ngồi ở ghế giữa của hàng ghế thứ ba, có thắt dây an toàn. Sarah Milburn cho rằng thiết kế dây an toàn không hiệu quả và khó sử dụng, góp phần gây nên thương tích nghiêm trọng cho cô.
Cụ thể, dây an toàn ghế giữa được "giấu" trên trần xe. Cô phải kéo dây từ trần xuống ghế, sau đó mới có thể thắt dây vắt chéo người như bình thường. Do không quen xe, cô không biết sử dụng dây an toàn đúng cách.
Theo Law, nguyên đơn viện dẫn kết quả nghiên cứu của chuyên gia, cho thấy trong 53 người tham gia thử nghiệm lần đầu tiếp xúc với hệ thống dây an toàn trên chiếc Honda Odyssey có tới 50 người (nhiều hơn 90%) thắt dây an toàn không đúng cách như Sarah Milburn, còn nguy hiểm hơn so với không đeo.
Trước cáo buộc này, đại diện công ty Honda lập luận rằng dây an toàn ghế giữa của mẫu Odyssey đã tuân thủ đúng mọi tiêu chuẩn an toàn liên bang, có thiết kế giống với hầu hết mọi mẫu bán tải tương đương khác. Phía Honda khẳng định sẽ không có thương tích nghiêm trọng xảy ra nếu nguyên đơn đeo dây an toàn đúng cách.
Khi xét xử vụ kiện, bồi thẩm đoàn nhận định rằng việc đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn liên bang không miễn trừ toàn bộ trách nhiệm của hãng xe trong thương tích của Sarah Milburn. Quy chuẩn an toàn liên bang với những thiết kế khác thường như trong trường hợp này vẫn còn thiếu sót, chưa bảo vệ được người ngồi trên xe.
Ngày 13/2, bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết có lợi cho Sarah Milburn, yêu cầu Honda phải bồi thường 23,7 triệu USD vì 63% lỗi thuộc về công ty này. 32% lỗi thuộc về tài xế nhưng người này không bị khởi kiện, 5% lỗi còn lại thuộc về nguyên đơn.
Theo pháp luật bồi thường dân sự bang Texas, nếu lỗi của một bị đơn vượt quá 50%, người này sẽ phải đứng ra chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn, bao gồm cả phần của người tài xế. Tại vụ án này, Honda phải bồi thường tổng cộng 37,6 triệu USD. Sau khi bồi thường cho nguyên đơn, phía Honda sẽ tự đòi tiền từ lái xe Uber.
Đại diện Honda bày tỏ thất vọng trước phán quyết này và cho hay sẽ kháng cáo tới cùng.
Gia đình nguyên đơn hy vọng kết quả của vụ kiện sẽ cho ra đời "điều luật Sarah" (lấy theo tên nguyên đơn), qua đó cấm các nhà sản xuất ôtô sử dụng thiết kế dây an toàn khó dùng trong tương lai.