Khi đi mua đồ ở cửa hàng và chẳng may trượt ngã dẫn đến chấn thương, tâm lý nhiều người thường cho rằng đó là lỗi của bản thân và “tự chịu”. Nhưng ở một số quốc gia, người dân sẽ yêu cầu bồi thường nếu chứng minh được trách nhiệm của cửa hàng. Những vụ này được gọi chung là khởi kiện do “tai nạn trượt ngã”.
Theo Findlaw, tại Anh và Mỹ, trên cơ sở của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, một khi các cửa hàng đã mở cửa thì cần có nghĩa vụ bảo đảm sự an toàn của khách mua hàng trong chừng mực hợp lý. Khi có khách hàng bị tai nạn, người chủ sở hữu có thể sẽ phải bồi thường nếu tòa án thấy rằng họ có lỗi khi để tình huống nguy hiểm xảy ra trong phạm vi cửa hàng.
Tai nạn trượt ngã trong cửa hàng thường bắt nguồn từ nhiều nguồn như: tấm thảm để sàn bị rách gây vướng víu, chiếu sáng không đủ, cầu thang quá hẹp, sàn nhà lau xong còn ướt... Ngoài ra, có thể còn nhiều yếu tố nguy hiểm khác không do lỗi con người như: tuyết hoặc nước mưa tích tụ ở cửa ra vào, ổ gà xuất hiện trên đường đi gây vấp ngã.
Để đòi bồi thường thành công, người bị thương cần chứng minh hai điều kiện. Thứ nhất là tai nạn bắt nguồn từ một yếu tố nguy hiểm tiềm tàng trong cửa hàng. Thứ hai là người chủ cửa hàng nhận thức được yếu tố nguy hiểm này.
Cụ thể hơn, yếu tố nguy hiểm phải ẩn chứa rủi ro vô lý với người trong cửa hàng; đồng thời người bị thương không biết và không buộc phải biết về sự nguy hiểm ấy. Nói cách khác, người khách hàng đã hành động cẩn thận, né tránh trong chừng mực hợp lý nhưng tai nạn vẫn xảy ra.
Ngoài ra, người chủ cửa hàng được coi là biết về nguy hiểm trong cửa hàng khi: đã tạo ra tình huống nguy hiểm (ví dụ: nhân viên đánh đổ nước ra sàn), biết về yếu tố nguy hiểm trong cửa hàng nhưng đã làm ngơ không khắc phục (ví dụ: không lau khô sàn sau khi đánh đổ nước), mối nguy hiểm đã tồn tại trong một đoạn thời gian đủ dài để người chủ có thể phát hiện và khắc phục trước khi tai nạn xảy ra.
Tùy vào tình tiết cụ thể của vụ việc, khoản tiền bồi thường từ một vụ kiện trượt ngã thường rất cao, và bị đơn cũng thường là các ông lớn trong ngành bán lẻ như chuỗi cửa hàng Walmart, Cotsco, Home Depot.
Alabama đưa tin, vào tháng 6/2015, Henry Walker – một cư dân thành phố Phenix, bang Alabama (Mỹ) đã được tòa án cho hưởng bồi thường 7,5 triệu USD sau khi ngã khi đang mua hàng tại siêu thị Walmart ở địa phương.
Tấm kê hàng được đặt phía dưới giá để dưa hấu và khuất tầm nhìn của Henry. Chân của Henry đã bị mắc vào khe hở của tấm kê hàng mà anh không hay biết. Khi cố gắng quay người để thanh toán, Henry bị ngã và phải gánh chịu nhiều thương tật, bao gồm bị vỡ xương hông.
Phía Henry Walker đưa ra được bằng chứng rất thuyết phục về sự bất cẩn của Walmart thể hiện qua dữ liệu camera an ninh. Theo đó, trước khi Henry tới chọn dưa hấu, cũng đã có nhiều khách hàng khác bị mắc chân vào tấm kê hàng.
Nguyên đơn cho rằng Walmart lẽ ra phải biết về rủi ro tiềm tàng của tấm kê hàng nhưng đã không có sự quan tâm thích đáng, không đảm bảo được an toàn và đồng thời không cảnh báo khách mua hàng về nguy hiểm. Nếu Walmart có sử dụng tấm bảo vệ như các cửa hàng khác, Henry đã không phải chịu thương tật như hiện tại.
Bồi thẩm đoàn chỉ mất hai tiếng để nghị án và đưa ra phán quyết có lợi cho Henry: Siêu thị Walmart sẽ phải trả khoản tiền bồi thường 2,5 triệu USD, kèm theo 5 triệu USD tiền phạt do lỗi bất cẩn.