Tại hội nghị ngày 24/2, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết trong số lao động bị ảnh hưởng có hơn 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc.
Lao động trong doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng số người bị ảnh hưởng, tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam.
Trong số doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, có 16 công ty nợ gần 74,3 tỷ đồng tiền lương của lao động với mức nợ bình quân 12,4 triệu đồng mỗi người. So với năm 2021, số doanh nghiệp, lao động và tiền nợ năm 2022 giảm, nhưng mức nợ bình quân lại tăng 1,3 lần.
Cả nước xảy ra 26 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh thành, giảm 25 cuộc so với dịp Tết Nguyên đán 2022. Theo bà Hà, nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp chậm trả lương, lao động không đồng tình với mức thưởng Tết, đề nghị đảm bảo chất lượng bữa ăn ca hoặc thái độ của quản lý không phù hợp.
Trước Tết Qúy Mão, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra gói hỗ trợ trích từ kinh phí, mức 1-3 triệu đồng mỗi lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc. Thời gian nhận hồ sơ chậm nhất ngày 31/3 và chi trả chậm nhất đến 30/5. Song cuối tháng 2, liên đoàn lao động một số tỉnh thành mới ban hành quyết định thực hiện.
Hồng Chiêu