Trả lời:
Chào bạn,
Trong lây nhiễm HIV, dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm là máu, dịch tiết sinh dục, sữa mẹ. Các dịch tiết khác được xem như an toàn nếu không pha lẫn với các dịch tiết kể trên. Do đó, nếu nước bọt đơn thuần, khả năng lây nhiễm HIV gần như là không thể, song khả năng này sẽ thay đổi và gia tăng đáng kể nếu pha loãng trong đó là máu (từ vết thương, viêm nha chu, vết loét).
Các tiếp xúc ân ái qua đường miệng thông thường bao gồm quan hệ xâm nhập bằng đường miệng (oral sex), hôn sâu (có trao đổi nước bọt, tiếp xúc lưỡi). Các tiếp xúc nước bọt khác được kể đến là hôn lên má, môi, sử dụng chung chén, đũa, uống chung ly nước.
Hành vi quan hệ xâm nhập đường miệng được kể là hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, điều này không cần bàn cãi. Riêng về động tác hôn sâu có trao đổi nước bọt, dịch tiết tiếp xúc chủ yếu là nước bọt, và lo ngại của bạn là dịch tiết này có thể pha loãng với máu do viêm lợi gây chảy máu. Đây là lý do hành vi hôn sâu được cân nhắc trong các đường lây HIV dù nguy cơ thấp hơn so với các tiếp xúc tình dục khác, đặc biệt được lưu ý đối với những bạn tình âm tính sống chung với người nhiễm HIV.
Các tiếp xúc nước bọt như ăn chung mâm, chung chén đũa, uống nước chung ly vốn được xem là tiếp xúc thông thường. Trên thực tế, chưa có ghi nhận nào về trường hợp khai báo lây nhiễm qua các tiếp xúc này. Tuy nhiên, trong tình huống sống chung với người có H, hành vi này được lưu ý cân nhắc vì tính chất tiếp xúc lâu dài, liên tục có thể làm gia tăng nguy cơ, và đặc biệt là những lúc bệnh nhân nhiễm H có những đợt bệnh cấp tính (nấm miệng, loét, lao phổi…).
Trường hợp đánh răng sử dụng chung bàn chải với người có HIV được kể là sử dụng chung vật dụng có dính máu vì khả năng chảy máu khi đánh răng là khá phổ biến. Do vậy, đây được xem là hành vi nguy cơ. Rất may, trên thực tế hành vi này không phổ biến, chỉ thỉnh thoảng xảy ra trên những cặp vợ chồng.
Thân ái.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ