70% người đăng ký hưởng trợ cấp từ 25 đến 40 tuổi, tỷ lệ nữ cao hơn nam. Mức hưởng bình quân 4,35 triệu đồng mỗi tháng với thời gian hưởng 5,5 tháng. Xét theo ngành nghề, nhân viên bán hàng, kỹ thuật điện tử, kế toán là ba nhóm đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất.
Nguyên nhân thất nghiệp là chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn, hết hạn hợp đồng, doanh nghiệp phá sản, thay đổi cơ cấu. Hơn 60% lao động trước khi thất nghiệp làm việc trong doanh nghiệp tư nhân; 20% trong doanh nghiệp FDI...
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội, cho hay quý II, III thường ghi nhận người lao động đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp đông hơn so với đầu hoặc cuối năm. Riêng quý III bình quân mỗi tháng gần 8.000 người. Có sự chênh lệch do cuối năm lao động chờ nhận lương, thưởng và các khoản phúc lợi. Số lượng năm nay tăng so với cùng kỳ 2021 một phần vì năm ngoái ảnh hưởng của dịch, lượng người đến làm hồ sơ ít hơn.
"Tình trạng lao động thất nghiệp dịp cuối năm vẫn xảy ra, song không ồ ạt như phía Nam. Hà Nội chưa ghi nhận hiện tượng mất việc tập thể", bà Liễu nói, lý giải nếu xảy ra thì doanh nghiệp sẽ liên hệ với trung tâm để giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành để làm thủ tục.
Mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.
Hồng Chiêu