Ngày 11/11, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết thống kê trên chưa đầy đủ do tình trạng cắt giảm lao động, giờ làm đang diễn ra diện rộng. Lao động thiếu việc chủ yếu trong doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ. Để giữ chân công nhân, nhiều nhà máy dùng hết phép năm nay và ứng phép năm 2023 để bù đắp.
Lo ngại tình trạng thiếu việc diễn ra mạnh vào cuối năm, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đôn đốc công đoàn cơ sở có giải pháp bảo vệ người lao động, tránh dẫn đến tranh chấp, ngừng việc tập thể.
Lý giải nguyên nhân công nhân thiếu việc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, nhiều thị trường nước ngoài dự báo sức mua lớn, năng lực chi trả cao, nhưng nay không được như kỳ vọng dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng.
Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam thống kê trong quý IV, doanh nghiệp trong ngành giảm 30% đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu giảm từ tháng 9.
Ngày 16/11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI cùng báo Lao động sẽ tôn vinh 63 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động. Đây là những đơn vị tăng trưởng kinh doanh liên tục, đảm bảo tiền lương, thưởng, đóng bảo hiểm xã hội, chế độ phúc lợi tốt; bảo vệ người lao động trong đại dịch... Sau 8 năm tổ chức, gần 450 doanh nghiệp cả nước được vinh danh, trong đó có ba đơn vị thuộc lĩnh vực ngân hàng, dệt may liên tiếp 7 năm được tuyên dương vì người lao động.
Hồng Chiêu