Tuyến cao tốc bắt đầu từ TP Hà Tiên đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP Bạc Liêu.
Quy mô giai đoạn 1 tuyến đường dài 225 km, rộng 17 m gồm bốn làn xe với vận tốc 80 km/h, có dải phân cách ở giữa... Tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này và sẽ hoàn thành trong tháng 7. Dự kiến, sau khi hoàn tất các thủ tục, công trình được khởi công vào năm 2024 và hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2026.
Theo ông Thi, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển giao thông ở miền Tây, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, dự án góp phần hoàn thiện, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ; kết nối giữa các vùng và nước bạn Campuchia cũng như khu vực Đông Nam Á.
Đây là dự án liên kết vùng thuộc lĩnh vực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối cửa khẩu quốc tế Xà Xía (TP Hà Tiên, Kiên Giang) với quốc lộ 1A, tuyến đường N1. Đồng thời, cao tốc sẽ kết nối với hai cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Đông là TP HCM - Trung Lương - Cần Thơ và cao tốc Bắc - Nam phía Tây là Bình Phước - TP HCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang.
Hôm 18/5, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn trước năm 2030.
Tại miền Tây, hiện có nhiều cao tốc được xúc tiến, triển khai xây dựng. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51 km, kinh phí hơn 6.300 tỷ đồng, sẽ thông tuyến cuối tháng 9. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, với vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, dự kiến thông tuyến cuối năm nay. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 10 và thông tuyến cuối năm sau.
Cao tốc trục ngang thứ hai dài 155 km (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành sau ba năm.
Còn hai tuyến khác gồm: An Hữu - Cao Lãnh dài hơn 28 km, qua tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, kinh phí thực hiện hơn 5.500 tỷ đồng, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km có vốn 4.500 tỷ đồng, kết nối với tuyến Cao Lãnh - Kiên Giang trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Cửu Long