Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, các tuyến buýt nêu trên do Công ty cổ phần xe khách Sài Gòn (Saigonbus) và Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines khai thác. Đây là những tuyến có trợ giá, được thành phố tổ chức đấu thầu trước khi chọn hai đơn vị trên vận hành.
Trong 16 tuyến, Futabuslines khai thác 11 tuyến mang số hiệu: 29, 57, 99, 141, 68, 102, 16, 41, 61, 73 và 151. Những tuyến còn lại gồm: 6, 10, 50, 52 và 91 do Saigonbus đảm nhận. Trung tâm quản lý giao thông công cộng cho biết các tuyến này đã được thay thế toàn bộ phương tiện cũ bằng xe đời mới, có máy lạnh, giám sát hành trình, camera an ninh, máy bán vé... Trong đó, 195 xe chạy bằng dầu diesel và 44 phương tiện dùng nhiên liệu CNG.
Giá vé của tuyến xe không thay đổi so với hiện nay, khách đi mỗi lượt 6.000 đồng, vé tập 135.000 đồng/30 vé. Giá vé lượt dành cho học sinh, sinh viên là 5.000 đồng.
Theo đại diện Futabuslines, xe hoạt động trên 11 tuyến do đơn vị chuẩn bị khai thác thuộc loại 55 chỗ (đứng, ngồi). Những tuyến này miễn vé cho khách là trẻ em cao từ 1,3 m trở xuống; thương binh, bệnh binh; người khuyết tật; cao tuổi...
TP HCM đang có khoảng 90 tuyến xe buýt trợ giá. Thời gian qua, ngành giao thông thành phố đấu thầu khai thác các tuyến theo tiêu chí mới, đến nay có hơn 20 tuyến chọn được đơn vị khai thác, thời hạn 5 năm.
Cơ chế đấu thầu khai thác các tuyến giúp tạo sự cạnh tranh, chọn được đơn vị đủ năng lực nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút nhiều người đi xe buýt. Thời gian thực hiện hợp đồng 5 năm cũng giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, tính toán doanh thu, lợi nhuận để triển khai các phương án thu hút khách.
Gia Minh