Theo giám đốc Sở Y tế TP HCM, ngày 7/6, thành phố ghi nhận 5 phòng khám đa khoa đang tạm ngưng hoạt động do ca nhiễm từng đến khám, gồm Phòng khám đa khoa Trần Diệp Khanh, Xóm Mới, Hoàn Mỹ Hữu Nghị Sài Gòn, thuộc quận Gò Vấp và Phòng khám đa khoa quốc tế Nhân Hậu, đa khoa Đại học Y Dược 1 thuộc quận 10.
Trước đó, phòng khám đa khoa Medic Hòa Hảo ngưng hoạt động từ 20/5 đến 4/6, do "bệnh nhân 4780", bà chủ quán bánh canh O Thanh ở quận 3 đến khám, chụp X-quang phổi.
Thời gian qua, 14 bệnh viện ghi nhận ca dương tính từng đến khám, gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Nhi đồng Thành phố, Tâm thần cơ sở 2, Quận Gò Vấp, Quận Tân Phú, Quận Bình Thạnh, Quận 7, Thành phố Thủ Đức, Đa khoa Quốc tế Vinmec Cetral Park, Hoàn Mỹ Sài Gòn, FV, Đức Khang, An Sinh, Quốc tế City.
Theo ông Bỉnh, các bệnh viện này phải tạm ngưng tiếp nhận người bệnh để điều tra, xác minh người tiếp xúc, vệ sinh khử khuẩn. Hiện, 13 trong số 14 bệnh viện này đã hoạt động bình thường trở lại.
Riêng Bệnh viện Quận Tân Phú do 3 nhân viên mắc Covid-19 nên đang tạm thời phong tỏa toàn bộ bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn cũng ghi nhận một nhân viên mắc Covid-19, đang tạm ngưng hoạt động để kiểm soát nguồn lây nhiễm.
Ông Bỉnh cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh viện, phòng khám tiếp tục siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến thăm khám và điều trị, đặc biệt lưu ý kiểm tra yếu tố dịch tễ, sàng lọc kỹ người đến từ những nơi có ghi nhận ca nhiễm Covid-19, người có triệu chứng nghi ngờ....
Trước đó, các bệnh viện TP HCM được yêu cầu xét nghiệm Covid-19 tất cả người nhập viện, tùy trường hợp có thể áp dụng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR.
Trong đó, test nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV áp dụng với người bệnh cần được can thiệp điều trị ngay sau nhập viện như phẫu thuật, thực hiện các kỹ thuật sản phụ khoa... Test này không được áp dụng với các trường hợp nghi ngờ Covid-19 có yếu tố dịch tễ và biểu hiện lâm sàng.
Người bệnh nhập viện nội trú nhưng không can thiệp điều trị ngay sau nhập viện, bệnh viện thực hiện xét nghiệm theo kỹ thuật RT-PCR mẫu gộp hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV.
Chi phí xét nghiệm tầm soát này sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán, đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19 của Bộ Y tế. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả đối với nhóm còn lại và phần đồng chi trả của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Người bệnh mới nhập viện, từ khoa Khám bệnh hoặc từ khoa Cấp cứu chuyển lên, khi chưa có kết quả xét nghiệm tầm soát nCoV, được bố trí nằm trong các buồng bệnh riêng biệt hoặc buồng cách ly tạm của các khoa, không để tiếp xúc gần người bệnh đang nằm điều trị đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Theo Sở Y tế TP HCM, việc tăng cường xét nghiệm tại cơ sở y tế được thực hiện trước tình hình đã có người nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng và không có yếu tố dịch tễ rõ ràng đến các bệnh viện, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ngoài xét nghiệm tầm soát người bệnh, thân nhân, TP HCM tiếp tục chủ động xét nghiệm Covid-19 hàng tuần nhân viên y tế, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đợt dịch bùng phát lớn nhất từ trước đến nay ở TP HCM liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng, phát hiện từ ngày 26/5, từ ba ca chỉ điểm là bệnh nhân khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đến nay, đã có 362 trường hợp dương tính được công bố liên quan đến ổ dịch này.
Từ những hội viên của nhóm này, chuỗi lây tiếp tục lây truyền từ nơi làm việc về nơi cư trú, xuất hiện ở 21/22 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ). Hiện có 6 chuỗi lây nhiễm liên quan, trong đó chuỗi lây có nhiều bệnh nhân nhất liên quan đến một công ty ở Tân Bình với số lượng ca nhiễm đã tăng lên đến 91 trường hợp. Nhiều ca mắc là bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, được lấy mẫu sàng lọc phát hiện dương tính nCoV.
Ngay khi phát hiện 3 ca bệnh chỉ điểm đầu tiên, TP HCM đã đẩy mạnh các biện pháp truy vết. Từ ngày 27/5, số ca nhiễm dao động trong khoảng 30-40 ca mỗi ngày trong cộng đồng. Sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố, số ca bệnh phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng, còn lại là các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.
Từ ngày 4/6 đến nay, tỷ lệ ca nhiễm từ khu cách ly, khu phong tỏa có xu hướng gia tăng. "Điều này cho thấy, các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế", ông Bỉnh nhận định.
Theo ông Bỉnh, có những ca nhiễm chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội, nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến một, hai thành viên trong gia đình. Nguồn gốc các ca này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ.
Dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại một số tỉnh thành, do đó còn nhiều người dân có thể có tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước. Người dân cần thực hiện khai báo y tế nếu có yếu tố nguy cơ, nhằm phát hiện và kiểm soát kịp thời, không để lây lan rộng.