Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV áp dụng với người bệnh cần được can thiệp điều trị ngay sau nhập viện như phẫu thuật, thực hiện các kỹ thuật sản phụ khoa...
"Kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì vẫn chưa loại trừ được Covid-19", ông Thượng lưu ý. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch như thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế). Những người này tiếp tục được theo dõi và xét nghiệm theo quy định.
Người bệnh nhập viện nội trú nhưng không can thiệp điều trị ngay sau nhập viện, bệnh viện thực hiện xét nghiệm theo kỹ thuật RT-PCR mẫu gộp hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV. Trong đó, test nhanh kháng nguyên không được áp dụng với các trường hợp nghi ngờ Covid-19 có yếu tố dịch tễ và biểu hiện lâm sàng.
Khi bác sĩ tiếp nhận người bệnh và khám sàng lọc lại, nếu không loại trừ người bệnh mắc Covid-19, dựa vào triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ, thì thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR mẫu đơn, không thực hiện mầu gộp.
Chi phí xét nghiệm tầm soát này sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán, đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19 của Bộ Y tế. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả đối với nhóm còn lại và phần đồng chi trả của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Phương pháp test nhanh kháng nguyên nhằm sàng lọc những người có nguy cơ cao. Kết quả test có sau 15 phút, độ chính xác 70-75%. Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên nCoV "không dùng để thay thế cho xét nghiệm RT-PCR", mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19.
Sau khi thực hiện test nhanh kháng nguyên, nếu mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính, các cơ sở y tế phải báo ngay với Trung tâm y tế trên địa bàn để triển khai sớm các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
Ông Thượng yêu cầu người bệnh mới nhập viện, từ khoa Khám bệnh hoặc từ khoa Cấp cứu chuyển lên, khi chưa có kết quả xét nghiệm tầm soát nCoV, cần bố trí nằm trong các buồng bệnh riêng biệt hoặc buồng cách ly tạm của các khoa, không để tiếp xúc gần người bệnh đang nằm điều trị đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Theo Sở Y tế TP HCM, việc tăng cường xét nghiệm tại cơ sở y tế được thực hiện trước tình hình đã có người nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng và không có yếu tố dịch tễ rõ ràng đến các bệnh viện, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ngoài xét nghiệm tầm soát người bệnh, thân nhân, TP HCM tiếp tục chủ động xét nghiệm Covid-19 hàng tuần nhân viên y tế, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện, hai bệnh viện tại TP HCM phong tỏa do phát hiện nhân viên y tế mắc Covid-19 gồm bệnh viện Quận Tân Phú (2 nhân viên), Đa khoa Nam Sài Gòn (một nhân viên). 4 bệnh viện ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú do có người bệnh Covid-19 trước đó đến khoa Khám bệnh, gồm các bệnh viện Quận Bình Thạnh, Phụ sản Mê Kông, Tâm thần (cơ sở Lê Minh Xuân), Quận Gò Vấp.
Trước đó, nhiều bệnh viện, phòng khám tại thành phố phải ngưng tiếp nhận khám bệnh để khử khuẩn, rà soát quy trình, sau khi phát hiện ca mắc Covid-19.
TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay. Từ ngày 18/5 đến sáng 4/6, thành phố ghi nhận 287 ca Covid-19 (đã được công bố), 11 ca nghi mắc. Phần lớn các ca bệnh liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, được phát hiện từ ngày 26/5.
HCDC nhận định thành phố có thể xuất hiện những ca nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.