Ngày 17/8, ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, ổ dịch phát hiện tại huyện Thuận Bắc vào tháng 6, sau đó lan rộng ra 5 địa phương khác. Đến nay, 30 con bị chết đã được tiêu hủy.
UBND Ninh Thuận đã phê duyệt kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống dịch bệnh này. Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng trại, ngành thú y đã tiêm vaccine cho 11.500 con trâu, bò. Còn hơn 73.500 con sẽ được tiêm phòng trong đợt tới.
"Ninh Thuận đang giãn cách xã hội do Covid-19, nên công tác tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò gặp nhiều khó khăn, chưa thể tiến hành trên diện rộng", ông Trí cho hay.
Bệnh viêm da nổi cục do virus thuộc họ Poxviridae gây ra, lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; lây qua máng uống nước và khu vực cho ăn; trâu bò mang mầm bệnh vận chuyển từ vùng này qua vùng khác...
Trâu, bò mắc bệnh thường có dấu hiệu: sốt cao, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi), bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu.
Dịch viêm da nổi cục xuất hiện tại Việt Nam đầu tiên tháng 10/2020 tại Cao Bằng và Lạng Sơn. Đến nay, dịch bệnh đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với hơn 137.000 con trâu, bò mắc bệnh và hơn 18.000 con đã chết phải tiêu hủy.
Việt Quốc