"Trên địa bàn tỉnh, dịch được phát hiện ở hai huyện Buôn Đôn và Cư Kuin", ông Thủy Lệ Vũ, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk cho biết sáng 9/6.
Con bò đầu tiên mắc bệnh viêm da nổi cục đầu tiên ở Đăk Lăk là của gia đình ông Nguyễn Khắc Dự, ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn. Trước đó, ngày 3/6, ông Dự mua con bò ở xã lân cận. Hôm sau, con bò này xuất hiện các nốt sần ở vùng da mỏng, được xác định dương tính với virus Capripox (viêm da nổi cục).
"Đến sáng nay, hai con bò của người dân ở huyện Cư Kiun cũng bị bệnh tương tự", ông Vũ nói và cho biết, sau khi phát hiện dịch, cơ quan chức năng đã vận động các hộ dân tiêu hủy gia súc mắc bệnh, đồng thời rắc vôi, phun thuốc diệt côn trùng khu vực ổ dịch và các hộ chăn nuôi lân cận.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm ổ dịch để xử lý. Các địa phương tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với hộ chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh; dừng vận chuyển trâu, bò, sản phẩm của các động vật này tránh để lây lan.
Ông Vũ nhận định, dịch bệnh lây lan do ruồi, muỗi đốt từ con này sang con khác. Bên cạnh đó, với tập quán chăn thả gia súc và thời tiết thất thường chính là những yếu tố khiến nguy cơ dịch viêm da nổi cục trên gia súc bùng phát diện rộng. "Với tình hình hiện tại, người chăn nuôi, nhất là nuôi bò phải chăm chủ động mua vaccine để tiêm phòng", ông Vũ nói.
Dịch viêm da nổi cục được phát hiện đầu tiên ở Tây Nguyên ngày 12/5 trên đàn bò của hai hộ dân ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ngày 18 và 23/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh ghi nhận thêm 2 ổ dịch với 2 con bò bị mắc bệnh ở huyện Sa Thầy và huyện Ia H'Drai. Ngành thú y đã tiêu hủy ngay các con bò bị mắc bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch.
Cuối tháng 5, một hộ dân ở xã Đăk Djăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cũng phát hiện 4 trong số 20 con bò chảy dịch mũi, mắt, trên thân có các nốt sần, khiến 2 con bị chết. Vài hôm sau, dịch bệnh xuất hiện ở huyện Đăk Đoa và huyện Chư Sê, với tổng số 47 con mắc bệnh.
Hiện, tổng đàn gia súc của tỉnh Gia Lai hơn 430.000 con - đứng thứ 2 cả nước; chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, lẻ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND Gia Lai yêu cầu các địa phương và ngành nông nghiệp thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn dịch lây lan, mua vaccine tiêm cho đàn gia súc, tiêu hủy gia súc bệnh...
Trước đó, đàn bò ở nhiều tỉnh ở miền Trung như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh... cũng bị mắc bệnh tương tự.
Trần Hoá