Ổ dịch đầu tiên được phát hiện ngày 12/12/2020 tại nhà ông Nguyễn Văn Hóa, xã Phú Phong, huyện Hương Khê với 3 con bò mắc bệnh. Dịch sau đó xuất hiện liên tiếp tại nhiều xã ở huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh. Hàng trăm con trâu, bò dương tính với bệnh, đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trâu, bò mắc bệnh hình thành các nốt sần hình tròn đường kính từ 2-5 cm ở vùng bụng, đầu, cổ, chân... rồi sốt, suy nhược. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, xơ hóa và để lại sẹo vĩnh viễn. Ngoài ra, chân và các bộ phận khác cũng bị tiết dịch khiến gia súc không muốn di chuyển. Nhiều con vật sức đề kháng yếu đã chết.
"Ban đầu tôi thấy ba con bò lười ăn, trên da nổi những nốt sần, vài hôm sau lớn thành cục u. Vì lần đầu tiên thấy gia súc xuất hiện triệu chứng này nên tôi tự chữa cho chúng song không thuyên giảm nên phải báo thú y. Cả gia đình rất lo lắng", ông Nguyễn Văn Hóa, trú xã Phú Phong, huyện Hương Khê, nói.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, viêm da nổi cục trên gia súc là dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam hồi giữa tháng 10/2020. Ngoài Hà Tĩnh, đến nay có 10 tỉnh, thành khác trong nước ghi nhận trâu, bò nhiễm bệnh gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang, Hà Nam, Nghệ An và Quảng Trị.
Tại Hà Tĩnh, Lộc Hà là địa phương có nhiều gia súc nhiễm bệnh nhất với 90 con, trong đó 9 con bò, bê đã chết. Ngày 20 và 22/1, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh với hợp với nhiều đơn vị liên ngành tổ chức tiêm thí điểm gần 3.000 liều vaccine phòng viêm da nổi cục ở xã Phù Lưu (huyện Lộc Hà) và các xã Đỉnh Bàn, Thạch Khê, Thạch Hải (huyện Thạch Hà). Sau 42 ngày, cơ quan chuyên môn sẽ lấy mẫu máu của trâu, bò, xét nghiệm và đánh giá hiệu quả của vaccine để làm căn cứ tiêm phòng trên diện rộng, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Theo ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò, không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Bệnh tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày.
"Đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Ngoài ra, nguồn lây khác còn do người dân vận chuyển trâu, bò đang mang mầm bệnh đi sang các địa phương khác. Bên cạnh đó là những hộ chăn nuôi bố trí cho các con vật tiếp xúc trực tiếp, cùng ăn và uống chung máng...", ông Khánh nói.
Nhà chức trách Hà Tĩnh đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân giám sát đàn trâu, bò. Khi có biểu hiện bị bệnh hoặc nghi bị bệnh cần báo cáo chính quyền và cơ quan thú y triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.