Phó giáo sư, tiến sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ thông tin trên tại hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện, ngày 21/4 và cho biết thêm riêng từ năm 2016 đến nay đã ghép hơn 500 ca thận, tức trong vòng 6 năm qua tăng gấp đôi số ca ghép so với giai đoạn trước.
Điều này cho thấy nhu cầu ghép thận ngày càng tăng, các bác sĩ Việt Nam cũng ngày càng nắm vững kỹ thuật ghép thận. Hầu hết ca ghép thận đều thành công, phần lớn từ nguồn hiến là người còn sống.
Ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Chợ Rẫy. Theo phó giáo sư Sâm, ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả, chất lượng cao, chi phí thấp so với các phương pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Với sự ra đời của nhiều thuốc mới, tỷ lệ thải ghép sau ghép thận giảm dần theo thời gian, giúp bệnh nhân có cuộc sống ngày càng chất lượng. Nhiều người sau khi ghép thận đã lập gia đình, sinh con khỏe mạnh. Hơn 300 em bé đã chào đời từ người từng ghép thận. Nhiều người trên 60 tuổi ghép thận cũng đạt kết quả rất tốt.
Những ca ghép thận đầu tiên từ năm 1992, bệnh viện được sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Đến năm 1998, các bác sĩ Việt Nam tự lực triển khai. Sau 101 ca lấy thận từ người hiến sống bằng phương pháp mổ hở, từ năm 2004 đến nay các ca lấy thận đều được mổ nội soi, trong đó 36 ca phẫu thuật bằng robot.
Năm 2008, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thận từ người hiến chết não đầu tiên Việt Nam. Đến năm 2015, nơi này tiên phong ghép thận thành công cho hai người nhận từ người cho tim ngừng đập, mở ra một nguồn tạng hiến mới để tăng số lượng tạng hiến tại Việt Nam. Năm 2017, bệnh viện lần đầu ghép thận chéo (đổi người hiến) và năm 2021 thực hiện ca ghép không cùng nhóm máu đầu tiên cả nước. Trong đó, ghép thận chéo đòi hỏi phải có số lượng bệnh nhân lớn, rất ít trung tâm trong nước cũng như trên thế giới làm được.
Theo phó giáo sư Sâm, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép thận, vấn đề lớn tồn tại hiện nay là thiếu hụt nguồn thận ghép, trong khi nhu cầu ghép rất cao. "Trong số các ca ghép, nguồn tạng từ người cho sống là chủ yếu, người hiến chết não, ngừng tim chiếm khoảng 5%", ông nói.
Sự ra đời của đơn vị điều phối ghép tạng đã góp phần tăng nguồn hiến từ người cho chết não thời gian qua, nhưng vẫn còn khá thấp. Tại nhiều nước, nguồn hiến từ người chết não chiếm gần một nửa, giúp nhiều người bệnh có được nguồn tạng để ghép. Phát triển nguồn tạng hiến người chết đang là mô hình các hội ghép tạng trên thế giới và Việt Nam hướng đến.
Lê Phương