Bệnh nhi phát hiện bệnh năm ngoái, sau một thời gian hay nhợn ói, xanh xao. Các bác sĩ lọc màng bụng cho em để loại bỏ các chất độc, tư vấn với người nhà cần ghép thận cứu con. Người bố tình nguyện hiến thận cho con, may mắn các kết quả xét nghiệm phù hợp.
Ê kíp Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh Viện Chợ Rẫy phối hợp thực hiện ca ghép thận, ba tuần trước. Các bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy một quả thận bên trái từ người bố và ghép vào cơ thể con gái. Sau khi mở kẹp mạch máu, quả thận căng chắc, biểu hiện tưới máu rất tốt. Quả thận ghép đã hoạt động và có nước tiểu ra niệu quản ngay tại phòng mổ.
Bác sĩ Võ Thị Tường Vy, Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 1/12, cho biết sức khỏe của hai bố con đều ổn định sau mổ và được xuất viện. Kết quả tái khám mới đây ghi nhận quả thận hoạt động tốt.
Đây là ca ghép thận thứ 20 tại bệnh viện, kể từ năm 2004. Nhờ kinh nghiệm ngày càng dày dặn trong ghép thận bệnh nhi, dụng cụ mổ hiện đại, ca ghép chỉ mất hơn 5 giờ, trong khi các ca thời kỳ đầu triển khai kỹ thuật này mất đến 8-10 giờ.
Theo bác sĩ Vy, ghép thận là phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh thận mạn giai đoạn cuối, giúp trẻ có chất lượng cuộc sống tốt hơn so với hình thức thay thế thận khác. Ghép thận có tỷ lệ sống còn cao hơn chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng trong tất cả các độ tuổi ở trẻ em. Trẻ ghép thận xong có thể đi học, cải thiện sức khỏe, cao lớn, sinh hoạt bình thường. Nhiều bệnh nhi sau ghép thận đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh.
Trở ngại lớn nhất hiện nay khiến ca ghép thận chưa nhiều chính là nguồn tạng hiến và chi phí ghép. Một cuộc ghép thận trẻ em hiện nay tốn khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm. Người cho thận là người lớn, phải tự trang trải chi phí cuộc mổ cũng như xét nghiệm trước mổ, khoảng 60-70 triệu. Sau mổ ghép, bệnh nhi phải theo dõi, xét nghiệm, uống thuốc chống thải ghép, những năm đầu tốn 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Các năm sau chi phí ít hơn, khoảng 3-5 triệu một tháng. Nếu có những tình huống, biến cố phát sinh, gia đình phải tốn nhiều tiền hơn.