Người hiến thận là bà Hạnh 52 tuổi, ghép cho chồng là ông Văn Biết 55 tuổi. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng kỹ thuật ghép thận tại Việt Nam hiện phát triển mạnh nhưng vẫn còn trở ngại rất lớn là thiếu hụt nguồn tạng ghép. "Thành công bước đầu này là tín hiệu rất mừng, mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân ghép thận, trong bối cảnh số bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chờ đợi ghép thận rất nhiều", bác sĩ Thức nói.
Ông Biết suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo từ tháng 12/2020. Đều đặn ba ngày trong tuần, cứ 5h sáng ông phải đón xe đò từ Bến Tre lên TP HCM chạy thận, về tới nhà lúc 5h chiều, chi phí đi lại ăn uống khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. "Chạy thận xong về đến nhà là mệt lử, hôm sau tôi hầu như chỉ nghỉ ngơi không làm được gì", ông Biết nói.
Anh trai của ông Biết, cùng nhóm máu với em, muốn hiến một quả thận để ghép cho em, tuy nhiên kết quả xét nghiệm ghi nhận không đủ điều kiện hiến. Bà Hạnh bày tỏ mong muốn được hiến thận cho chồng, nhưng bà mang nhóm máu B trong khi ông Biết nhóm máu A. "Chúng tôi kết hôn muộn, con trai chỉ mới 16 tuổi nên tôi mong ông ấy khỏe mạnh để còn đồng hành lâu dài cùng con trong cuộc sống", bà Hạnh chia sẻ.
Mong muốn được hiến thận khác nhóm máu của bà Hạnh cũng trùng hợp với trăn trở của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từ nhiều năm nay. PGS.TS.BS Thái Minh Sâm (Trưởng Khoa Ngoại Tiết Niệu) cho biết mỗi năm bệnh viện có khoảng 300 bệnh nhân đăng ký ghép thận nhưng chỉ tiến hành ghép được khoảng 100 trường hợp vì nhiều lý do như sức khỏe không đảm bảo, miễn dịch không tốt, không cùng nhóm máu.
Theo bác sĩ Sâm, kỹ thuật ghép thận khác nhóm máu đã được thực hiện tại nhiều nước. "Ca ghép tạng không tương thích nhóm máu nếu không xử lý trước thì bệnh nhân sẽ sốc phản vệ, tử vong ngay. Do đó ca ghép đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng", bác sĩ Sâm nói. Những năm qua, bệnh viện đã cử các bác sĩ ra nước ngoài học tập, phối hợp đơn vị lọc máu, trung tâm truyền máu... xây dựng kế hoạch chi tiết.
Để ghép thận không cùng nhóm máu, trước hết các bác sĩ phải ngăn chặn sự tạo ra kháng thể trong máu nhằm tránh thải ghép. Trước đây, chỉ định này được thực hiện bằng cách cắt lách, hiện chỉ cần dùng thuốc Rituximab. Sau đó, bệnh nhân phải trải việc loại bỏ kháng thể lưu hành trong máu ở mức tối đa bằng cách lọc huyết tương.
Với kỹ thuật này, thay vì nhập viện trước hai ngày như những bệnh nhân khác, vợ chồng bà Hạnh phải nhập viện trước hai tuần để lọc huyết tương ba lần. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng Khoa Thận Nhân tạo), mục tiêu của việc lọc huyết tương là lấy kháng thể ra khỏi cơ thể bệnh nhân, lấy được càng nhiều thì ca ghép thận càng thành công. "May mắn trường hợp này bệnh nhân có nồng độ kháng thể thấp nên chỉ cần lọc ba lần", bác sĩ Tuấn nói.
Quá trình truyền máu đối với trường hợp ghép không cùng nhóm máu rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi chuẩn bị kỹ, theo TS.BS Lê Hoàng Oanh (Giám đốc Trung tâm Truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy). "Chẳng hạn, người chồng nhóm máu B, nhưng huyết tương lại chứa kháng thể của người vợ nhóm máu A, nên phải chọn loại phù hợp, an toàn", bác sĩ Oanh chia sẻ. Các bác sĩ cũng tính toán chuẩn bị các chế phẩm máu, dự phòng các tình huống chảy máu kéo dài.
Ca ghép thận diễn ra ngày 29/12/2021, bệnh nhân có nước tiểu ngay trên bàn mổ. Siêu âm thận ghép ngay sau mổ thấy tưới máu tốt, nước tiểu tăng dần, chức năng thận hồi phục tốt. Ông Biết ăn uống trở lại sau mổ một ngày, hiện hồi phục khỏe mạnh, đang theo dõi tại phòng khám ghép thận.
"Tôi khỏe hơn rất nhiều, không còn phải đi chạy thận. Vợ cũng hồi phục rất tốt, sức khỏe gần như bình thường sau ca mổ", ông Biết nói, ngày 21/1.
Chi phí một cuộc ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi trừ bảo hiểm y tế, khoảng 100 triệu đồng. Ca ghép không cùng nhóm máu thường tốn chi phí gấp ba lần bình thường, tuy nhiên nhờ bảo hiểm y tế chi trả nên phần chi phí của gia đình không chênh lệch nhiều so với ca ghép cùng nhóm máu.