Giáo sư Mats Malm - thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - sẽ công bố người chiến thắng ở buổi họp báo vinh danh tác giả. Người chiến thắng nhận phần thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (hơn 26 tỷ đồng).
Nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết là cái tên được các nhà phê bình, độc giả thế giới nhắc đến nhiều, dự đoán bà thắng giải. Theo Guardian, tác giả Gerald Murnane và César Aira rất được quan tâm, nhưng Tàn Tuyết vẫn là lựa chọn phổ biến nhất. Nếu thắng, bà sẽ là người phụ nữ thứ 18 được vinh danh.
Tác giả 71 tuổi, tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh ở tỉnh Hồ Nam, là gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại, được mệnh danh là "Kafka của Trung Quốc". Các tác phẩm tiêu biểu của bà gồm Phố Ngũ Hương, Hoàng Nê Phố, Mây cũ trôi về. Tác giả nổi tiếng ở Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước phương Tây.
Ngoài Tàn Tuyết, một số cái tên quen thuộc được cho là sẽ đoạt Nobel gồm Gerald Murnane (Australia), César Aira (Argentina), Margaret Atwood (Canada). Năm ngoái, tác giả Na Uy Jon Fosse, nhà văn khá xa lạ với độc giả châu Á, chiến thắng.
Haruki Murakami, nhà văn ăn khách nổi tiếng người Nhật Bản, tiếp tục có mặt ở nhiều danh sách dự đoán. Trang Time On của Ấn Độ bình luận: "Dù liên tục được dự đoán thắng Nobel và đã giành được hầu hết giải thưởng quan trọng khác, Murakami có lẽ vẫn khó có được nó. Tiểu thuyết mới nhất viết bằng tiếng Anh của ông, Thành phố và những bức tường không vững chãi, xuất bản năm 2023, không giúp thay đổi kết quả". Murakami được mong đợi đoạt Nobel Văn học từ năm 2006 đến nay, sau khi ông đoạt giải Franz Kafka cho cuốn Kafka bên bờ biển.
Năm 2018, Murakami rút khỏi đề cử New Acedemy - giải thay thế sau khi Nobel Văn học bị hoãn do scandal bê bối tình dục của thành viên chủ chốt. Ông giải thích muốn "tập trung viết lách, tránh sự chú ý của truyền thông".
Nhà văn người Argentina César Aira, tác giả hơn 100 cuốn sách, nổi tiếng với phương pháp viết nhanh, cũng được dự đoán thắng qua nhiều năm. Ông từng nói: "Tôi biết rằng cho đến khi tôi chết, cứ mỗi tháng 10, tôi sẽ phải chịu đựng điều này".
Nobel Văn học là giải thưởng uy tín, cao quý trong giới văn chương, do giải vinh danh toàn bộ sự nghiệp của nhà văn thay vì một tác phẩm cụ thể. Sự kiện mỗi năm đều thu hút quan tâm lớn của nhiều tác giả, nhà nghiên cứu. Ngoài ra, đây cũng là một trong những giải có số tiền thưởng cao nhất.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng năm nay giải nên được trao cho những người sáng tạo OpenAI hoặc ChatGPT vì đóng góp trong quá trình sáng tạo tác phẩm hư cấu.
Độc giả, giới chuyên môn nhận định Viện Hàn lâm Thụy Điển ưu ái các tác giả nam của phương Tây. Bởi đến nay, trong số 120 người đoạt giải, mới có 17 phụ nữ. 29 nhà văn từng chiến thắng nói tiếng Anh. Pháp là nước có nhiều cây bút đoạt Nobel nhất, với 16 người.
Nobel Văn học là một trong sáu hạng mục của giải Nobel, trao cho tác giả ở bất kỳ quốc gia nào, theo di chúc của nhà hóa học Alfred Nobel. Sinh thời, Alfred Nobel thích đọc sách, có thư viện riêng. Cuối đời, ông bắt đầu viết tiểu thuyết.
Viện Hàn lâm Thụy Điển được vua Gustav III thành lập năm 1786, chịu trách nhiệm ra quyết định về Nobel Văn học. Họ không bao giờ cho biết dấu hiệu về nhân vật có khả năng đoạt giải tới khi công bố kết quả. Danh sách những cái tên vào vòng chung khảo chỉ được tiết lộ 50 năm sau mùa giải đó.
Giải từng bị gián đoạn vào các năm 1914, 1918, 1935, 1940, 1941, 1942 và 1943 vì hai cuộc Chiến tranh thế giới. Theo quy chế, nếu không có công trình nào ấn tượng, số tiền thưởng sẽ được bảo lưu đến năm sau. Huy chương do nhà điêu khắc Thụy Điển - Erik Lindberg - thiết kế, có hình ảnh một chàng trai trẻ ngồi dưới gốc cây nguyệt quế sáng tác, bị mê hoặc bởi bản đàn của một nàng thơ. Bằng chứng nhận là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, do các nhà thư pháp Thụy Điển và Na Uy sáng tạo.
Những năm gần đây, Nobel Văn học vướng nhiều tranh cãi. Giải thưởng năm 2018 bị hủy do Jean-Claude Arnault, chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển - bị tố cáo lạm dụng nhiều phụ nữ. Ngoài ra, ông đã làm rò rỉ tên người chiến thắng bảy lần, kể từ năm 1996. Chủ nhân giải thưởng năm 2019 - ông Peter Handke - bị tẩy chay vì từng công khai bảo vệ chính trị gia quá cố Slobodan Milosevic.
Hà Thu (theo The Guardian, Time On)