Giải thưởng sẽ được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố vào 13h ngày 10/10 (giờ địa phương). Người chiến thắng nhận phần thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (26 tỷ đồng).
Theo China Press, Tàn Tuyết đứng đầu danh sách dự đoán của Nicer Odds, nhà cái nổi tiếng nước Anh, với tỷ lệ 5/1 (một ăn năm). Nhà văn Australia Gerald Moonan xếp thứ hai, nhà văn Canada Anne Carson xếp thứ ba, còn Thomas Pynchon và Haruki Murakami, những người từ lâu được coi là ứng viên giải Nobel, lần lượt xếp thứ sáu và thứ chín. Năm ngoái, Tàn Tuyết cũng được Nicer Odds dự đoán chiến thắng.
Trong danh sách của Oddspedia - một trang cá cược khác của Anh, nhà văn đứng đầu với 18% bình chọn, vượt qua Murakami (7%) và Margaret Attwood (3%).
Tàn Tuyết, 71 tuổi, tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh ở tỉnh Hồ Nam, là gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc. Từ nhỏ, bà thích văn học phương Tây, văn học Nga. Các tác phẩm tiêu biểu của bà gồm Phố Ngũ Hương, Hoàng Nê Phố, Mây cũ trôi về.
Bà từng đoạt giải thưởng Sách dịch xuất sắc của Mỹ và hai lần vào danh sách rút gọn của giải Booker Quốc tế. Bà có gần 90 tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Thụy Điển, Italy, Việt Nam. Tiểu thuyết của Tàn Tuyết cũng được đưa vào giảng dạy ở nhiều đại học nổi tiếng như Harvard, Columbia (Mỹ), Tokyo, Kogakuin (Nhật).
Nhà văn Mỹ Susan Sontag từng nói: "Nếu được hỏi ai là nhà văn xuất sắc nhất Trung Quốc, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Tàn Tuyết".
Ở Trung Quốc, Tàn Tuyết ít xuất hiện trước công chúng hoặc tham gia các hoạt động giao lưu văn học. Trần Tiểu Chân - biên tập viên gắn bó nhà văn - cho biết bà sống kỷ luật. Mỗi ngày, bà dậy lúc 7h, đọc và viết cả ba buổi sáng, chiều, tối, tổng cộng năm tiếng. Trước khi đi ngủ, bà học tiếng Anh.
Trần Tiểu Chân nhận xét văn chương Tàn Tuyết mang nhiều ẩn dụ về hình ảnh, ngôn từ, cấu trúc, khiến người đọc khó đoán trước diễn biến trong những câu chuyện.
Trung Quốc từng có hai nhà văn đoạt Nobel là Cao Hành Kiện (2000) và Mạc Ngôn (2012). Khi Mạc Ngôn được vinh danh, ông từng nói: "Tôi hy vọng Tàn Tuyết đoạt giải".
Những năm gần đây, Nobel Văn học vướng nhiều tranh cãi. Giải thưởng năm 2018 bị hủy do Jean-Claude Arnault, chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển - bị tố cáo lạm dụngnhiều phụ nữ. Ngoài ra, ông đã làm rò rỉ tên người chiến thắng bảy lần, kể từ năm 1996. Chủ nhân giải thưởng năm 2019 - ông Peter Handke - bị tẩy chay vì từng công khai bảo vệ chính trị gia quá cố Slobodan Milosevic. Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên website giải, Ellen Mattson - thành viên Viện Hàn lâm - nói điều duy nhất hội đồng quan tâm là giá trị văn học, thay vì bận tâm cuộc sống, quan điểm riêng tư của các cây bút.
Năm ngoái, tác giả Na Uy Jon Fosse thắng giải nhờ "những vở kịch và văn xuôi tân tiến, lên tiếng cho những điều không thể nói".
Nobel Văn học là một trong sáu hạng mục của giải Nobel, được trao cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào. Viện Hàn lâm Thụy Điển không bao giờ hé lộ dấu hiệu về nhân vật có khả năng đoạt giải cho tới khi công bố kết quả. Danh sách rút gọn của các ứng viên sẽ được tiết lộ 50 năm sau đó. Giải lần đầu được trao cho nhà thơ Pháp - Sully Prudhomme - năm 1901. Viện Hàn lâm Thụy Điển được vua Gustav III thành lập vào năm 1786, chịu trách nhiệm ra quyết định về giải Nobel Văn học, thực hiện theo di chúc nhà tài trợ là ông Alfred Nobel.
Hà Thu (theo China Press)