Chẳng cần phải cố gắng lục lọi kiếm tìm trong ký ức vì kỷ niệm đã được cất giữ trong tiềm thức. Thời gian và không gian giường như không đủ sức để ngăn cản tình cảm dạt dào của tôi dành cho ngày Tết, hay nói cách khác, kỷ niệm về những ngày Tết quê hương đã bước vào trái tim tôi ngay từ khi còn thơ bé.
Tôi thấy mình đang háo hức trên những chuyến xe đò để kịp về quê ăn Tết, để kịp giúp đỡ gia đình làm nghĩa vụ thiêng liêng dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, kịp giúp mẹ vào bếp làm những món ăn truyền thống của quê hương. Năm nào cũng vậy, củ hành củ kiệu, dưa muối thịt đông…luôn đồng hành cùng gia đình tôi trong những ngày Tết, và lẽ đương nhiên cả gia đình xúm xít lột củ hành, củ kiệu cho đến khi nước mắt cứ chảy ròng và nhìn nhau bằng sự thấu cảm.
Sài Gòn của tôi dần dần thu nhỏ khi những chuyến xe đò bắt đầu lăn bánh. Những con đường được trang hoàng đẹp đẽ để đón chào xuân mới, chợ hoa ngày Tết rực rỡ sắc hương, các cô gánh hàng rong cũng rộn ràng tranh thủ bán buôn những ngày sắp Tết, cô bán nhôm nhựa đang tất tưởi ngược xuôi tranh thủ kiếm tiền mua quà Tết về cho con ở quê nhà… Tất cả thoắt hiện trong tôi và rồi choáng ngợp trong tim một nỗi nhớ.
Tôi để lại sau lưng một Sài Gòn đầy sức trẻ, một Sài Gòn thân thương hào phóng, tạm gác lại những tháng ngày ồn ào sôi động để trở về phố núi bình yên. Xa xa, tôi đã thấy ba đứng đó, ba lóng ngóng trông chờ chiếc xe đò vào bến để đón con gái về nhà. Nhìn mái đầu đã phơi sương, nhìn đôi mắt ẩn sâu nỗi nhớ thương vừa mừng vừa tủi của ba mà lòng tôi quặn lại: “ Thưa ba, con đã về!”
Tôi nghe đâu đây tiếng than nổ lùng đùng, tiếng nước sôi sùng sục đã phá tan nỗi cô quạnh của màn đêm. Chị em chúng tôi cùng lũ trẻ hàng xóm đã xúm xít quanh nồi bánh chưng, đứa chụm củi, đứa thay nước và chuyện trò rôm rả thâu đêm. Chẳng đứa nào chịu đi ngủ vì bởi lẽ đây là dịp hiếm hoi để chúng tôi đoàn tụ, để có thời gian bên nhau sẻ chia những câu chuyện vui buồn của thời đi học và ai cũng bận rộn với những suy tư. Tất cả đều bận rộn trong những giấc mơ, hoài bão mà mình đang ấp ủ.
Đâu đó tiếng pháo hoa nổ tưng bừng rực sáng cả một khung trời. Trong cái thời khắc thiêng liêng của đất nước, tôi cùng gia đình đứng bên nhau để nguyện cậu cho một năm mới yên bình đến trên quê hương. Đó là cái Tết của những năm về trước, cái Tết ấm áp bên gia đình, Tết đoàn viên.
Tôi nghe đâu đó tiếng nói của ông, tiếng cười vui mừng của bà: “Các cháu đã về!” và rồi tôi trở về với Tết của hơn chục năm về trước. Cái mùi ngai ngái của phân bò hòa quyện cùng mùi nồng nồng của bùn đất và phảng phất mùi thơm của lúa mới, của cỏ cây đã đi theo tôi suốt tháng năm còn thơ ấu.
Tôi đã hạnh phúc biết bao trong những ngày Tết, vì đây là cái thời khắc mà tôi khắc khoải mong chờ trong suốt tháng năm còn đi học. Tôi chờ đợi được biến thành công chúa trong chiếc đầm mới mẹ chắt góp tiền may cho, được sung sướng đón nhận phong bao lì xì và hạnh phúc hơn hết là trở về thăm những cánh đồng lúa, những con trâu, những cây ổi trước sân nhà và được nhìn thấy gương mặt hiền từ của nội.
Cái làng quê nghèo với những con người vất vả quanh năm đã tô điểm cho ký ức về những ngày Tết trong tôi thêm sắc màu, thêm nỗi nhớ. Cây tre đầu làng chắc giờ đã già lắm. Tuổi già chẳng làm nó buồn hay tủi, nó vẫn kiêu hãnh vì đã trải qua bao gió sương, bao mùa xuân của chiến tranh bom đạn để rồi vẫn còn vững vàng mà mừng vui với dân quê trong những mùa xuân của đất nước hòa bình.
Căn nhà lụp xụp bằng đất của ông cũng kiên cường lắm, cũng chống chọi qua bao gió mưa, bao mùa lũ để ông bà tôi được yên vui trong những ngày Tết cùng đàn con cháu. Ôi nhớ lắm những mùa xuân nho nhỏ, mùa xuân của tuổi thơ tôi ríu rít bên ông bà.
Mấy mùa xuân trôi qua, giờ mắt bà nội đã nhòa đi vì năm tháng, vì tuổi già, vì nhớ thương ngóng trông con cháu trở về hay vì những giọt nước mắt ngắm nhìn con cháu lúc chia xa. Tóc ông tôi giờ đã bạc, ông đã gầy đi nhiều trong cái tuổi xế chiều. Tôi nhớ ông với cái dáng vẻ chân chất của dân quê, nắng trưa lấm lem bùn đất vì cày cấy ruộng đồng, chiều chiều cắt cỏ cho bò mà thấy thương. Cầu mong cho mưa lũ đừng càn quét trên ruộng lúa của ông tôi, gió rét trở trời đừng làm cho mấy con bò bị ốm, đàn gà bị dịch bệnh mà tội lắm cho dân quê.
Bình thường lấm lem trong sự vất vả là thế nhưng đến ngày Tết ông tôi thật lịch lãm trong bộ vest, caravat, giày tây chỉnh tề. Ngày Tết cũng là dịp để ông vui mừng lấy bộ vest xưa, bộ đồ mà ông cất giữ mấy chục năm khi mặc trong đám cưới của mình, để được sống lại với những ngày còn trai trẻ, được níu kéo chút tuổi thanh xuân khi cuộc đời bước vào tuổi xế chiều.
Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa kéo những bóng hình trôi tuột vào quá khứ, một quá khứ thật hạnh phúc, thật ấm áp biết bao. Và rồi tôi của thực tại đang sắp sửa đón mừng một cái Tết, cái Tết đầu tiên ở nơi xứ người, cái Tết đầu tiên không được ở bên gia đình bè bạn, cái Tết đầu tiên không có bánh chưng, bánh mứt cũng chẳng có chợ hoa ngày Tết. Tôi lặng mình nhớ về quê hương.
Hương vị của ngày Tết quê nhà, cái hương vị của tình thân rồi cũng xua đi cái lạnh giá của đêm đông lạnh lẽo, của sự cô đơn, của nỗi nhớ. Đêm giao thừa một mình trong căn phòng nhỏ, tôi ngân nga giai điệu của bài “ Happy New Year” quen thuộc, lấy chiếc khăn choàng cổ mà mẹ đã đan tặng mà ôm vào lòng.
Chợt thấy hạnh phúc vì tìm được hơi ấm của mẹ và nghe văng vẳng đâu đây: “Mẹ tặng con chiếc khăn với cả tấm lòng và nỗi nhớ. Hãy giữ ấm cho khỏi lạnh con nhé!”
Trần Vũ Kiều Phương
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |