Sáu giờ chiều. Tiếng chuông chùa báo hiệu thời khắc giao mùa thiêng liêng của quê nhà đã điểm. Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng rồi năm tiếng sụt sịt nối tiếp cất lên. Hình ảnh mẹ cùng hai em trên Skype nhòe dần trong đôi mắt tôi ngấn lệ. Bao nhiêu lời hoan hỉ “tập dượt” hồi chiều ứ nghẹn trong cổ…
Lần đầu tiên trong đời, tôi đón giao thừa bằng nước mắt. Nước mắt mẹ, nước mắt tôi cùng những giọt long lanh ấm áp của các em như hòa lại một dòng, nhẹ nhàng, êm ái xoa dịu nỗi tủi thân của đứa con gái lần đầu đón xuân miền viễn xứ.
Sợ “dông” nên mỗi đứa chỉ được phép “mít ướt” độ mười lăm phút rồi lục tục hối nhau lôi chiếc bàn gấp ra bày biện cúng giao thừa. Loáng một cái, “ban thờ” đã đầy ắp với những bánh chưng, những mứt, những giò, những chả. Bày biện xong xuôi, Minh béo chắp tay lượn một vòng ngắm nghía, gật gù ra vẻ tâm đắc.
Bất ngờ, Trang còi trợn tròn mắt, kêu toáng: “Ô! Ô! Thiếu, thiếu”. Lúc này, mọi người mới để ý đến con Nga ngố đang lóng ngóng bên chiếc nồi cơm điện cắm… gà ở cuối phòng.
Thấy điệu bộ khả nghi của cô nàng, tôi liền đến mở nắp nồi luộc kiểm tra thì quả đúng là có chuyện. Ối giời ơi! Vật phẩm quan trọng nhất để dâng tạ trời Tây của chúng tôi là chú gà trống oai vệ không thấy đâu, chỉ đúng một “cục” béo tròn nằm lăn lóc trong chiếc nồi gần cạn nước. Thế là, cả lũ lại được dịp túm lại, mắt chữ O mồm chữ A “super soi”.
Minh béo tay lăm lăm thìa dĩa, lên giọng đàn chị, nghiêm mặt quan tòa: “Con Nga ngố, mày có nhớ trước lúc đi các bậc tiền bối đã dặn đi dặn lại là phải đặt gà “VIP” không?”.
Thanh cũng hóng hớt: “Tao biết ngay mà, con này chúa là dại trai, gặp anh Tây đẹp 'choai' là nó quên hết trời đất ngay”.
Thấy Nga có vẻ sợ thật, tôi đùa: “Ở bên này người ta có thói quen 'bem' hết đầu cánh, chân tay gà nên chắc các cụ cũng xài như thế. Vớt gà, thắp hương đi chúng mày”.
Khi “cục béo tròn” được đặt trang trọng lên ban thờ thì cũng đã quá giao thừa độ 40 phút. Nghi lễ vẫn tiếp tục bị đình trệ bởi một vấn đề nho nhỏ nảy sinh cần được hội thảo… kỹ lưỡng.
Chuyện là thế này: Minh béo nhận mình lớn “tháng” nhất nên được quyền thắp hương đầu tiên, Nga ngố không đồng ý, cô nàng lý luận rằng mình bé tuổi nên cần phải được ưu ái “ước” trước. Mấy đứa không chị cũng chẳng làm em cũng nỗ lực chạy đua đòi quyền lợi bằng cách đưa ra phương án oản tù tì theo vòng loại cho công bằng. Sau một hồi chí chóe bàn luận, tập đoàn “Sáu con vịt” cuối cùng cũng đưa ra được ý kiến tuyệt vời ông mặt trời, đó là thắp hương và “ước” theo hình thức đồng đội.
Đánh chén no say, lại mỗi đứa một góc. Đăng nhập vào Facebook, nhìn ảnh mẹ “phát lương” cho cu Bờm mà sống mũi bất chợt thấy cay xè. Bố mất, bàn tay mẹ rộng hơn cả bầu trời, ăn cơm mẹ, uống nước mẹ, quần áo mẹ mua và ngay cả thỏi son của con gái cũng mẹ.
Mỗi lần, khi Tết đến xuân sang trẻ con hàng xóm háo hức đợi chờ được quây quần bên nồi bánh chưng còn chúng con lại xót xa khi đôi mắt mẹ thâm quầng vật lộn bên chồng bánh cao ngất ngưởng. Mười hai tiếng đồng hồ cho một nồi bánh, lại 12 giờ mới được vớt bánh rồi lại đủ mười hai tiếng bánh mới rền.
Biết bao lượt khách không hẹn mà đến, biết bao nồi bánh ra lò, mẹ vẫn vui vẻ, cần mẫn trao cho khách hàng nụ cười vui vẻ lúc chào về. Có người thương, dúi tận tay mẹ thứ bột “thần kỳ” khiến bánh có thể chín nhanh trong độ dăm ba tiếng để tiết kiệm công sức, củi lửa. Nhưng mẹ chỉ cười và lắc đầu. Mẹ bảo, làm ăn tử tế để còn dành phúc đức cho các con. Mẹ ơi!
Xuân này, mẹ vẫn lam lũ lựa từng lá súp lơ già nuôi bầy heo, mẹ vẫn phải tảo tần chắt từng giọt nước hàng, từng thân chuối già chăm bầy vịt. Con gái mẹ dẫu có cách xa mẹ ngàn vạn dặm, dẫu có thênh thang bước giữa trời Tây nhưng vẫn tự hào diện nguyên bộ quần áo quê mùa mẹ tự tay đơm cúc, vẫn tự cho mình được quyền yếu đuối, được khóc nhè trước mẹ.
Giao thừa, thay cho lời chúc, mẹ bảo: "Mày đừng lo gì cả, cứ chú tâm vào học hành. Ở nhà, mẹ lo được!"
5 năm nữa chắc chắn con vẫn không được đón xuân cùng mẹ. Thương mẹ, con tự biết mình phải cứng rắn, phải biết nén giọt lệ trong đêm để dành nước mắt cho ngày đoàn viên. Thời gian rồi sẽ qua nhanh, con phải trưởng thành và con sẽ trưởng thành.
Trưởng thành, để con về bên mẹ, dựng lại cho mẹ nếp nhà và xin mẹ nhường lại gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền lên đôi vai chúng con. Khi ấy, mẹ hãy ngủ giấc ngủ thật sâu, thật dài để bù đắp lại những đêm giật mình vì tiếng chuông báo thức réo gọi trong những giấc mơ.
Ngoài kia, màn đêm đã giăng kín trời Erfurt, những bông tuyết khẽ cựa mình đón đợi nắng mai đưa về biển lớn. Con lật dòng nhật ký. Chỉ còn 364 lần mặt trời mọc là mùa xuân mới về. Con đếm từng ngày, từng ngày để về với bầu trời trong bàn tay mẹ!
Nguyễn Thị Thùy Linh
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |