Đó là câu chuyện xảy ra 5 năm trước. Còn tôi, cách đây vài ngày, nhận được tin nhắn của chị Hồng Vân, chia sẻ sự áy náy của một người mẹ vì trót làm con "ngại" với bạn bè. Con gái chị về nhà khóc rấm rứt vì bị bạn xì xào chuyện mẹ cháu phản đối hội phụ huynh vẽ ra nhiều khoản thu vô lý, từ thay rèm cửa, sơn lại trường lớp, lắp mới điều hòa, mua cây lọc nước (dù đã phải đóng tiền nước tinh khiết)... Bằng cách nào đó, bọn trẻ biết được chuyện này chuyện nọ diễn ra trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. "Thương con nhưng nghĩ lại, không nói không được anh Tú ạ. Vô lý lắm, riêng chuyện cái điều hòa thôi, năm nào cũng lắp mới hoặc lắp thêm".
Từ khi mở trang cá nhân, chia sẻ những vấn đề về chuyện vợ chồng, gia đình, nuôi dạy con cái, tôi nhận được nhiều băn khoăn, thắc mắc của các bậc cha mẹ. Trong ba mùa họp phụ huynh, đầu năm, giữa năm và cuối năm thì mùa họp đầu năm luôn "nóng" nhất; cũng là lúc tôi nhận được nhiều lời than phiền về tình trạng lạm thu, kêu gọi đóng góp sai quy định...
Hoạt động của hội phụ huynh (Ban đại diện cha mẹ học sinh) được quy định tại Thông tư 55/2011. Hội được từng lớp, từng trường cử ra với chức năng chính là "phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục". Nhưng việc "phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục" của hội phụ huynh và nhà trường thường mờ nhạt và ít hiệu quả. Trong khi đó, hội phụ huynh dường như quá sốt sắng với các hoạt động tài chính. Thực tế này có thể nhìn thấy rõ ở các cuộc họp đầu năm. "Hoạt động giáo dục" diễn ra chóng vánh ở phần đầu cuộc họp - nơi giáo viên báo cáo nhanh, phần lớn như một cuộc độc thoại, về chuyện học tập của lớp. Ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ "lánh đi" để ban phụ huynh làm việc, tạo ra bối cảnh "giáo viên vô can, hiệu trưởng vô can, tất cả là ban phụ huynh quyết".
Nội dung cuộc làm việc riêng của phụ huynh với nhau thông thường chỉ xoay quanh vấn đề tài chính, cụ thể là đề xuất các khoản thu, trao đổi và thống nhất cao trên tinh thần tự nguyện. Thông tư 55 quy định rõ 7 khoản ủng hộ mà Ban đại diện cha mẹ không được phép thu, chẳng hạn: Mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Cơ sở vật chất của nhà trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên... Nhưng tôi nghiệm thấy, cả 7 khoản cấm trong thông tư này đều đang bị lạm thu, được hợp lý hóa bằng các uyển ngữ như "trên tinh thần tự nguyện", "phục vụ tốt hơn cho việc học của con em"...
Hội phụ huynh dần dà thành ban "phụ thu", là cánh tay nối dài, thu hộ nhà trường những khoản bị cấm; thậm chí bị lợi dụng để tư lợi.
Mấy năm trước, khi tôi làm quản lý một công ty sách, một số giáo viên, đại diện trường đề nghị tôi ăn chia hoa hồng từ việc bán sách vào trường dưới danh nghĩa "thúc đẩy văn hóa đọc". Họ nói trường không có ngân sách nhưng quỹ phụ huynh thì có. Viễn cảnh hàng nghìn cuốn sách được bán vào trường suýt khiến tôi thành kẻ "mờ mắt" vì lợi nhuận. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, không chỉ các nhà sách, đã làm như vậy, vừa để quảng bá thương hiệu vừa để kinh doanh.
Tình trạng ban phụ huynh không thực hiện đúng chức năng được nhiều người nhận ra và bức xúc, nhưng rất hiếm người như chị Hồng Vân hay ông Võ Quốc Bình lên tiếng phản đối. Phần lớn thấy thu sai nhưng "tặc lưỡi" vì không muốn đẩy đẩy con vào "vùng soi" của giáo viên; không muốn bị nhìn bằng "ánh mắt khác"... Cuối cùng, những người lên tiếng trở nên đơn độc và bị lấn lướt bởi luật ngầm rằng hễ có hơn 50% số phụ huynh đồng tình thì nội dung đó, quyết sách đó mặc định được thông qua.
Năm 2017, câu trả lời gọn ghẽ "KHÔNG ĐỒNG Ý" của ông Võ Quốc Bình làm dấy lên cuộc tranh luận về việc có nên xóa bỏ các hội phụ huynh hay không. Khảo sát trên VnExpress lúc đó cho thấy 83% trong số khoảng 8.400 người tham gia bỏ phiếu "xóa bỏ", cho thấy sự thất vọng phổ biến đối với các hội phụ huynh.
Nhưng tôi nằm trong thiểu số còn lại, vì tôi vẫn nhìn thấy vai trò, tầm quan trọng của các hội phụ huynh. Không phải tất cả những ban đại diện cha mẹ học sinh đều là "cánh hẩu", "hậu đài" của nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm. Nhiều hội phụ huynh nghiêm túc và chính trực đã sử dụng quyền giám sát của mình để đấu tranh cho quyền được đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, nước uống đủ sạch, ngồi học đủ sáng... cho học sinh. Tôi cũng từng được tham gia vào những hoạt động ngoại khóa gắn kết, bổ ích của các con, mà nếu không có bàn tay của hội phụ huynh, nhà trường sẽ không thể thực hiện nổi với ngân sách và năng lực tổ chức hạn chế của mình.
Ban đại diện cha mẹ phụ huynh thực tế là một tổ chức quan trọng, đóng góp lớn cho nền giáo dục ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Hội cha mẹ học sinh (Parent Teacher Association - PTA) ở các nước như Mỹ, Anh đóng vai trò xây dựng mối liên kết bền chặt giữa gia đình và nhà trường. PTA ở các quốc gia này cũng gây quỹ, kêu gọi đóng góp nhưng họ hoạt động độc lập, không hoàn toàn "giúp việc" cho nhà trường. Một số PTA có nguồn quỹ lớn sẽ có tiếng nói quyết định trong việc đầu tư cho các chương trình đào tạo của trường và họ đồng thời thực thi quyền giám sát của mình đối với hiệu quả đầu tư.
Các cuộc họp giữa PTA với giáo viên và nhà trường cũng là không gian để đối thoại về các vấn đề giáo dục. Bằng kiến thức đa dạng, từ nhiều lĩnh vực của các thành viên, hội cha mẹ học sinh sẽ phản biện, đóng góp, chia sẻ sáng kiến nhằm cải cách trường học hay phương pháp giảng dạy.
Thay vì xóa bỏ một tổ chức cần thiết, theo tôi cần đưa các hội phụ huynh hoạt động trở lại đúng chức năng, với sự nỗ lực từ cả hai phía. Nhà trường, các cấp quản lý giáo dục chấm dứt tình trạng "mắt nhắm hờ" trước các khoản thu sai quy định. Và quan trọng hơn hết, là ý thức sử dụng tiếng nói của phụ huynh. Thông tư 55 quy định, cha mẹ học sinh được quyền "từ chối ủng hộ" các khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường đề xuất. Nhưng nhiều bậc cha mẹ đã lặng lẽ từ bỏ quyền chính đáng này.
Không sử dụng hết quyền của chính mình là cơ hội cho cá nhân, tổ chức khác lạm quyền.
Hoàng Anh Tú