Ủng hộ kiến nghị này, chị Vũ Thị Hoàng (37 tuổi, phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP HCM) kể hầu như năm nào Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội phụ huynh) cũng lo vận động mua sắm nhiều hơn là bàn việc học của con. Có khoản thu hợp lý như góp tiền thưởng cho học sinh giỏi cuối kỳ, tiền liên hoan, nhưng có khoản lãng phí, như thay bàn ghế, lót sàn gỗ hay mua bảng tương tác.
Đầu năm nay, các khoản thu sơn sửa lớp học, mua sắm thiết bị được Hội phụ huynh lớp con chị đề xuất hơn 30 triệu đồng, bình quân mỗi người góp gần một triệu. Vài người không đồng ý hoặc đề nghị xem xét lại thì đại diện của Hội nói: "Phụ huynh cứ đóng góp tùy tâm, ai không đóng cũng được, phần còn lại tôi lo".
"Vấn đề không phải bao nhiêu tiền mà là sự hợp lý trong chi tiêu. Sẽ không cha mẹ nào lại dạn dĩ tới mức không đóng, hoặc đóng ít để con mình được xài chùa những thứ của người khác", chị Hoàng nói. Bà mẹ này từng phản bác việc lót sàn gỗ lớp học, cho rằng không cần thiết khi nền gạch nhà trường còn tốt, tiết kiệm chi tiêu đầu năm bởi không phải ai cũng giàu có, song không được lắng nghe.
Lý do theo chị những người được "chỉ định" tham gia Hội phụ huynh hầu hết có điều kiện khá giả, có địa vị xã hội nên đòi hỏi cao về cơ sở vật chất, thiết bị học tập cho con. Hội lại hoạt động theo nguyên tắc "số đông" và "thực ra nhiều người cũng không đồng tình, nhưng không dám nói vì sợ con mình bị phân biệt đối xử".
Bức xúc với Hội phụ huynh từ nhiều năm qua, bà mẹ đang có con học lớp 7 cho rằng nên giải tán hội này bởi không còn nhiều ý nghĩa. Mọi hoạt động liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường, chăm lo cho con em - nhiệm vụ mà lẽ ra Ban đại diện phải làm - sẽ do từng phụ huynh thực hiện.
Đồng tình với quan điểm của chị Hoàng, ông Đỗ Văn Sỹ có con học tiểu học ở quận Tân Bình (TP HCM) thẳng thắn: "Hội phụ huynh bây giờ như cánh tay nối dài của nhà trường. Hễ khoản nào cần tiền mà không thể xài ngân sách, không được nhà nước duyệt thì hội đứng ra thu".
Ông dẫn chứng ngay trường con mình đang học, năm nay có lớp Hội phụ huynh đề nghị thu 100 triệu đồng để lót lại sàn nhà, thay bàn ghế, lắp máy lạnh, sắm tivi... "Cuộc họp phụ huynh lẽ ra cần bàn bạc nhiều hơn cách tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa cha mẹ với thầy cô, nhà trường để quản lý, chăm sóc trẻ tốt hơn thì ít người bàn tới. Thời gian cuộc họp có hạn, bàn bạc xoay quanh chuyện tiền nong một lúc là hết buổi", ông Sỹ nói.
Người cha này cho rằng bất cứ khoản thu nào nhằm phục vụ tốt hơn việc học của trẻ đều xứng đáng, nhưng cần xem xét tính hợp lý, cân bằng giữa điều kiện chung của nhiều gia đình. Mặt khác, các khoản thu chi này cần minh bạch, phụ huynh phải biết được cơ sở vật chất này phục vụ cho con họ lâu dài ra sao.
"Chả lẽ mua máy lạnh xài được một năm thôi sao? Rồi lót sàn nhà, sao năm nào cũng lót? Hội phụ huynh có tính đến lâu dài, tiết kiệm không?", ông Sỹ trăn trở.
Hội phụ huynh vẫn cần thiết, nhưng cần thay đổi
Bên cạnh những ý kiến phản đối, nhiều cha mẹ cho rằng Hội phụ huynh vẫn cần thiết, không thể bỏ. Ông Phạm Văn Thái có con học trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Gò Vấp, TP HCM) nhận xét, phần lớn Hội phụ huynh ông từng tiếp xúc đều nhiệt tình, làm việc vô tư. Họ tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, dã ngoại, liên hoan và khen thưởng trò giỏi cuối năm. Kinh phí không do ngân sách, hoặc nếu có thì hạn hẹp, nên việc kêu gọi đóng góp là hợp lý. Nhiều học sinh đau ốm, gia đình gặp hoạn nạn, Hội phụ huynh lại đứng lên kêu gọi giúp đỡ.
"Chúng ta đừng thấy một vài nơi không tốt thì đòi cấm. Hãy góp ý để họ điều chỉnh cho tốt hơn", ông Thái nói và cho rằng tự thân Hội phụ huynh hãy mạnh dạn quay về chính danh. Hội hãy từ chối nếu nhà trường "đề nghị" thu những khoản liên quan đến cơ sở vật chất. Nếu cần thiết thu, họ cần khéo léo kêu gọi, tránh gây tâm lý ức chế với phụ huynh.
Là giáo viên đồng thời là phụ huynh của hai trẻ tiểu học, ông Vũ Hoàng Sơn ngụ quận Bình Thạnh (TP HCM) khẳng định vẫn nên duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban này đóng vai trò kết nối, hỗ trợ giáo viên, nhà trường chăm lo học sinh tốt nhất. Ngoài ra, Ban đại diện cũng đứng ra bảo vệ quyền lợi học sinh, phụ huynh, phản biện chính sách của ngành giáo dục nếu thấy bất cập.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng đồng tình Ban đại diện không nên tham gia quá sâu vào khía cạnh thu chi tài chính, bởi vấn đề này dễ gây chia rẽ, phản ứng từ phụ huynh. Họ chỉ nên kết nối để phụ huynh bàn bạc, thống nhất trước mỗi đề xuất thu, chi, mua sắm. "Ban đại diện hãy trở về đúng quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của mình được nhà nước quy định", ông kiến nghị.
Nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1. Nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp: a) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; c) Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. 2. Quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp: a) Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh theo quy định tại Điều 9 của Điều lệ này (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; b) Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; c) Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp. (Trích Thông tư 55 ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh). |