Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao giải ở bốn hạng mục, trong đó, ba tác phẩm đoạt giải ở các hạng mục văn xuôi, thơ và văn học dịch đều là những trang viết về chiến tranh.
Ở hạng mục văn xuôi, tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của tác giả Trần Mai Hạnh giành giải. Tác giả đã sử dụng các tư liệu lịch sử là những biên bản, tài liệu về cuộc chiến chống Mỹ để xây dựng nên tác phẩm văn học của mình. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 tuy là một tiểu thuyết song chất lịch sử đậm đặc. Trong đó, tác giả tái hiện những ngày tháng sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa. Trần Mai Hạnh cho biết, ông xác định tác phẩm của mình là một tiểu thuyết tư liệu lịch sử, bởi thế đặt tính trung thực, khách quan lên hàng đầu: "Nếu tưởng tượng, hư cấu đến mức người đọc không còn tin sự kiện, sự việc và cả những tình tiết tác giả phản ánh, diễn đạt và cho rằng đó là bịa đặt, xuyên tạc thì tác phẩm sẽ thất bại". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo của giải thưởng - bày tỏ: "Tác giả sử dụng tư liệu lịch sử thành hệ thống, có mục đích và sáng tạo. Điều quan trọng là tác giả đã tạo dựng một đời sống bao phủ quanh những tư liệu ấy. Ở đó, chúng ta có thể cảm nhận được sức nóng của giai đoạn lịch sử đó không chỉ từ những sự kiện mang tính tư liệu…"
Giải thưởng thơ trao cho Trường ca ngắn, kịch thơ của Nguyễn Thụy Kha. Các tác phẩm đều tái hiện những sự kiện, khoảnh khắc lịch sử và đời sống dân tộc. Phần tổng kết giải thưởng của Hội Nhà văn đánh giá về Trường ca ngắn, kịch thơ: "Nguyễn Thụy Kha đã khám phá ra những góc khuất của các sự kiện, những khoảnh khắc lịch sử và mang lại nhiều suy ngẫm cho người đọc".
Cuộc chiến đi qua - tác phẩm đoạt giải hạng mục Văn học dịch - chỉ cần đọc tên cũng biết viết về đề tài chiến tranh. Tiểu thuyết do dịch giả Đào Minh Hiệp chuyển ngữ là tác phẩm đầu tay của nhà văn Nga Kanta Ibragimov. Khi mới xuất hiện tại Nga, tiểu thuyết đã gây tiếng vang lớn. Cuộc chiến đi qua tái hiện tấn bi kịch tại Chechnya với chiến tranh, ly khai, và những biến động dữ dội.
Ở hạng mục lý luận, phê bình, hai tác phẩm đoạt giải gồm Trăm năm trong cõi và Thơ Việt Nam hiện đại – tiến trình và hiện tượng. Sách Trăm năm trong cõi của Giáo sư Phong Lê là tập hợp chân dung nhà văn hoạt động nổi bật giai đoạn 1930 - 1945 và về sau này, được tác giả gọi chung là "Thế hệ vàng của văn chương Việt". Thơ Việt Nam hiện đại – tiến trình và hiện tượng là công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Điệp. Tác phẩm nhìn nhận sự phát triển của thơ hiện đại Việt Nam dựa theo sự chuyển đổi hệ hình tư duy thơ ca, sự thay đổi cách nhà thơ nhìn nhận thế giới, cách nhà thơ làm mới hình thức thơ ca.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Quang Thiều - Trưởng ban Sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam - đưa ra ba nhận định về các tác phẩm đoạt giải. Bên cạnh yếu tố thay đổi hình thức trong sáng tác văn xuôi, vai trò của các tác phẩm lý luận, ông Thiều nhấn mạnh vào đề tài chiến tranh trong các sáng tác: "Đề tài văn học viết về những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong quá khứ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước hiện nay luôn là một đề tài lớn được nhiều thế hệ nhà văn quan tâm và giành nhiều tâm huyết trong sáng tạo. Đề tài này đã, đang và tiếp tục được khai thác trong tương lai bởi các nhà văn thế hệ sau này, nhằm khám phá những ý nghĩa mới, tầm vóc và những bài học từ lịch sử".
Danh sách tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng HNV (in đậm là đoạt giải): Văn xuôi:
1. Mình và họ, Nguyễn Bình Phương. Thơ:
1. Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, Ngô Liêm Khoan. Văn học dịch:
1. Cuộc chiến đi qua, tiểu thuyết của Kanta Ibragimov do Đào Minh Hiệp dịch. Lý luận, phê bình:
1. Trăm năm trong cõi, chân dung văn học của tác giả Phong Lê. |
Lam Thu