- Căn cứ vào đâu ông xếp tác phẩm của mình vào thể loại "tiểu thuyết tư liệu lịch sử"?
- Với những tài liệu nguyên bản và tư liệu thu thập từ nhiều nguồn, tôi đã cố xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử nhằm tái hiện trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống).
Nếu viết dưới dạng ký sự, ghi chép báo chí thì sự việc xảy ra gần 40 năm trước sẽ không thể hấp dẫn bạn đọc. Vì vậy tôi xây dựng một tác phẩm văn học (thể loại chọn lựa là tiểu thuyết tư liệu lịch sử) với kết cấu chương hồi (gồm 19 chương), có tính cách, số phận nhân vật, tướng lĩnh chóp bu trong chính quyền và quân đội Sài Gòn. Tốc độ sụp đổ kinh hoàng, những dồn nén tột cùng trong ngày cuối chiến tranh không có chỗ cho sự diễn tả dài dòng, dàn trải. Đó cũng là hoàn cảnh làm bộc lộ số phận, tính cách điển hình của các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn: kẻ tử thủ, người bỏ chạy, kẻ bị bắt tại trận, kẻ ra trình diện chính quyền cách mạng, không ít người uống thuốc độc hoặc bắn vào đầu tự sát, mặc dù trực thăng riêng đã túc trực để sẵn sàng di tản... "Ngắn gọn - tốc độ - hành động trong đầy ắp sự kiện, sự việc, cảnh ngộ" là tiêu chí tôi chọn để thể hiện tác phẩm.
Tôi quan niệm, đã xác định là tiểu thuyết tư liệu lịch sử thì sự thật, tính trung thực, khách quan, không thiên kiến của ngòi bút khi tái hiện sự việc, con người cụ thể phải được đặt lên hàng đầu. Nếu tưởng tượng, hư cấu đến mức người đọc không còn tin sự kiện, sự việc và cả những tình tiết mà tác giả phản ánh, diễn đạt, và cho rằng đó là bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, sự thật thì tác phẩm sẽ thất bại.
- Từ đâu ông có ý định sử dụng những tư liệu lịch sử để hư cấu thành một tiểu thuyết?
- Dựa trên khối lượng lớn tài liệu nguyên bản và những tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn của phía bên kia (phía chính quyền Sài Gòn và Mỹ) do cơ may và cơ duyên thu thập được, tôi cố gắng phục dựng và tái hiện sự thật lịch sử trong những ngày tháng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống. Còn từ đâu tôi có ý định này, thì đó là cơ duyên của lịch sử. Cách đây 40 năm, tôi được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ đầu, với nhiệm vụ là đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã khi đó là nhà báo Đào Tùng dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng hầu hết thành phố từ Huế tới Sài Gòn, tôi may mắn chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Ý định xây dựng cuốn sách nảy sinh trong tôi từ ngày đầu Sài Gòn giải phóng, với suy nghĩ những sự kiện, sự việc diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ, lớp bụi thời gian sẽ khiến thời khắc lịch sử ngày một lùi xa. Vì những sự kiện chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống một lần, nên tôi cố gắng ghi chép thật nhiều những gì chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia mà mình có cơ duyên được các cơ quan thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc khai thác, với mong muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra.
- Vì sao ông muốn khắc họa hình ảnh tướng lĩnh quân đội Sài Gòn?
- Khi tái hiện sự sụp đổ trong những ngày tháng chiến tranh cuối cùng của phía bên kia, đương nhiên tướng lĩnh quân đội Sài Gòn ở các mặt trận, các quân khu, sư đoàn, các quân binh chủng và tại Bộ Tổng tham mưu phải là nhân vật trung tâm. Mà đã là người lính (tướng hay lính) thì dù ở bất cứ bên nào chiến tuyến, làm bất cứ nhiệm vụ gì thì đời sống của họ, số phận của họ cũng là một phần của chiến thắng hay thất bại của chiến tranh, là những mã số bí ẩn, thậm chí ngay cả khi chiến tranh đã qua đi cũng không phải dễ gì giải mã được...
Với cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến trước số phận con người, bằng các tài liệu, tư liệu có căn cứ tôi cố gắng khắc họa trung thực hình ảnh tướng lĩnh của quân đội Sài Gòn trong những ngày sụp đổ của thể chế Việt Nam Cộng hòa mà họ phụng sự. Mong muốn là vậy, nhưng đạt được không, đạt tới mức nào lại là một chuyện khác.
- Ngoài những nguồn tư liệu lịch sử ông chú thích cuối mỗi chương, yếu tố hư cấu được sử dụng thế nào trong tác phẩm?
- Nguồn tài liệu chú thích dưới mỗi chương là nhằm xác định những căn cứ được tác giả sử dụng để tưởng tượng và hư cấu nên chương sách đó. Ví dụ Nước cờ định mệnh (chương 3) dựng nên cuộc họp tuyệt mật của Nguyễn Văn Thiệu tại Cam Ranh về quyết định rút bỏ Tây Nguyên. Dự cuộc họp trong phòng kín chỉ có 6 người: Nguyễn Văn Thiệu (Tổng thống), Trần Thiện Khiêm (Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng), Đặng Văn Quang (Trung tướng, cố vấn an ninh), Cao Văn Viên (Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn), Phạm Văn Phú (Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2), Đại tá Đức - Tư lệnh sư đoàn 23. Nếu không tưởng tượng thì làm sao khắc họa được diễn biến chi tiết sinh động của cuộc họp với những đối thoại, lý lẽ tranh cãi, những quyết định và cử chỉ của từng nhân vật. Những chú thích chi tiết (tới 11 dòng) cuối chương này về những bản tường trình của Phạm Văn Phú, ý kiến kết luận của Nguyễn Văn Thiệu tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, hồi ký của Cao Văn Viên... là nhằm đảm bảo tính xác thực của việc phục dựng và tái hiện của tác giả.
- Sau thời gian chuẩn bị tư liệu kéo dài cả chục năm trời, quá trình viết cuốn tiểu thuyết này có gì đặc biệt?
- Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 - viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa kể từ chiến thắng Phước Long (tháng 1/1975) của Quân giải phóng tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, bao gồm trọn vẹn bốn tháng: 1 - 2 - 3 - 4 năm 1975.
Quá trình thu thập tài liệu nguyên bản tuyệt mật của phía bên kia về cuộc chiến diễn ra 40 năm trước không ngờ mất thời gian dài đến thế. Những tư liệu bước đầu thu thập được tôi công bố trong hai cuốn sách do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành Sụp đổ và tự thú (1985), Ngày tận thế (1987). Khi tư liệu đã đầy đủ, tôi bắt tay vào xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử mà mình ấp ủ, lúc đầu đặt tên là Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Lẽ ra cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, vì một tai nạn nghề nghiệp, tôi vướng vòng lao lý, chương cuối cùng chưa xong, không kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại. Nhiều lúc tôi muốn buông bỏ vì không sao có được tâm trạng và hứng thú để tiếp tục.
Mãi 10 năm sau (2012), được Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ và ký hợp đồng đặt hàng đầu tư chiều sâu, tôi mới dỡ tác phẩm ra, viết lại dưới ánh sáng mới của tình hình, với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra. Cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tôi cuối cùng đã được Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật thẩm định và xuất bản vào cuối tháng 4/2014.
Lam Thu thực hiện